14:56 11/10/2021

Facebook nỗ lực “củng cố niềm tin” của 63.000 nhân viên trước các lời tố cáo chấn động

Gia Bảo

Facebook đang nỗ lực hành động để ổn định nội bộ bị chia rẽ cũng như củng cố niềm tin của 63.000 nhân viên sau những lời cáo buộc gây rúng động mới đây...

Tại phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ diễn ra tuần trước, Frances Haugen, Cựu giám đốc dự án của Facebook đã tiết lộ những thông tin gây chấn động về Facebook. Ảnh The Guardian
Tại phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ diễn ra tuần trước, Frances Haugen, Cựu giám đốc dự án của Facebook đã tiết lộ những thông tin gây chấn động về Facebook. Ảnh The Guardian

Tại một phiên hỏi đáp với nhân viên mới đây, Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành của Facebook phải đối diện với nhiều câu hỏi khi Frances Haugen, một cựu giám đốc sản phẩm đã lên tiếng tố cáo Facebook Inc. trước phiên điều trần của tiểu ban Thượng viện Mỹ và trở thành người làm chứng trước Quốc hội về tác hại của công ty này.

PHỦ NHẬN MẠNH MẼ CÁC CÁO BUỘC

Zuckerberg đã dành khoảng 20 phút để thảo luận về những lời tố cáo cùng các thông tin tiêu cực trên truyền thông gần đây dù không nhắc trực tiếp đến cái tên Haugen, theo bản ghi âm cuộc họp nội bộ mà The New York Times có được. Trong số đó, CEO Facebook cho rằng một số lời tố cáo nhằm hạ bệ và làm mất thanh thế của công ty. 

 
Một trong những cáo buộc nghiêm trọng của bà Haugen với sự hỗ trợ của các tài liệu nội bộ cho thấy các dịch vụ của Facebook làm tổn thương sự tự tin của các người trẻ vị thành niên cũng như tiếp tay” cho nạn buôn người".

Các bình luận của Zuckerberg là một phần của nỗ lực nội bộ của Facebook nhằm xử lý các phản ứng không mong muốn sau phiên điều trần rúng động của một cựu giám đốc dự án Facebook. Trước đó, CEO Facebook cũng công khai bày tỏ nghi ngờ và gọi những lời buộc tội này là sai sự thật.

Tại phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ diễn ra tuần trước, Frances Haugen, Cựu giám đốc dự án của Facebook đã tiết lộ những thông tin gây chấn động. Bà Haugen cho rằng Facebook luôn đặt lợi nhuận của mình lên trên sức khỏe và sự an toàn của người dùng. Điều này phần lớn đến từ kết quả của thiết kế thuật toán hướng người dùng đến các bài đăng có mức độ tương tác cao mà trong một số trường hợp có thể gây hại nhiều hơn. 

Một trong những cáo buộc nghiêm trọng của bà Haugen với sự hỗ trợ của các tài liệu nội bộ cho thấy các dịch vụ của Facebook làm tổn thương sự tự tin của các người trẻ vị thành niên cũng như "tiếp tay" cho nạn buôn người. Để chống lại các tuyên bố này, các giám đốc điều hành đã tiến hành các sự kiện nội bộ trực tiếp với nhân viên, tổ chức các buổi họp giao ban khẩn cấp và gửi nhiều bản ghi nhớ. 

Giới chức tại công ty này thậm chí còn cung cấp thông tin cho nhân viên của mình về cách họ nên trả lời khi được bạn bè và gia đình “đặt câu hỏi về các sự kiện gần đây”. Facebook đã hành động nhanh chóng khi các nhân viên tỏ ra chia rẽ với bà Haugen.

Trong các tin nhắn nội bộ được chia sẻ với New York Times, một số ý kiến nhìn nhận, Haugen đã “nói những điều mà nhiều người ở đây đã nói trong nhiều năm qua” và Facebook nên lắng nghe. Một người khác nhận xét các lời khai của cô trong phiên điều trần với Thượng viện Mỹ là “tuyệt vời” và gọi Haugen là “người hùng”.

ĐÒN GIÁNG MẠNH VÀO FACEBOOK 

 
"Tôi lên tiếng vì tôi nhận ra một sự thật đáng sợ rằng hầu như không ai bên ngoài Facebook biết những gì xảy ra tại công ty này. Ban lãnh đạo của công ty lưu giữ thông tin quan trọng từ công chúng, chính phủ Mỹ, các cổ đông của công ty và các chính phủ trên toàn thế giới".
Bà Frances Haugen, cựu giám đốc dự án của Facebook.

Facebook đã chìm trong nhiều vấn đề từ khi ra đời gần 20 năm trước. Công ty này vẫn tồn tại dù trải qua nhiều đợt điều tra vì sức sống bền bỉ và bám rễ sâu vào người dùng của nó. Tuy nhiên, theo giới quan sát, những tiết lộ của Haugen là đòn giáng nặng vào Facebook. 

Sức nặng của những lời tố cáo của Haugen đến từ những tài liệu nội bộ cho thấy giới lãnh đạo Facebook đã được cảnh báo từ sớm về những vấn đề nghiêm trọng nhưng lại không có hành động phù hợp.

"Tôi lên tiếng vì tôi nhận ra một sự thật đáng sợ rằng hầu như không ai bên ngoài Facebook biết những gì xảy ra tại công ty này. Ban lãnh đạo của công ty lưu giữ thông tin quan trọng từ công chúng, chính phủ Mỹ, các cổ đông của công ty và các chính phủ trên toàn thế giới", bà Frances Haugen nói. Tại phiên điều trần, lời khai của Haugen được đánh giá có sức thuyết phục đối với hầu hết thành viên của tiểu ban. 

Ông Evan Greer, Giám đốc tổ chức Fight for the Future cho rằng, mô hình kinh doanh mang tính theo dõi người dùng của Facebook không phù hợp với các quyền cơ bản của con người. Vì vậy, điều cần làm là thúc đẩy các chính sách nhằm bảo vệ quyền riêng tư cũng như chống độc quyền. "Cuối cùng chúng ta cần xóa sổ Facebook hay khiến mạng xã hội này trở nên lỗi thời bằng các giải pháp thay thế phi tập trung và do cộng đồng xây dựng”, ông Evan khẳng định.

Theo giới quan sát, Facebook đang ngày càng đánh mất niềm tin đối với người dùng và các nhà đầu tư. Giới quản lý Mỹ cũng đã đưa ra hàng loạt đề xuất, từ đạo luật về quyền riêng tư tới chống độc quyền nhằm giải quyết Điều 230 trong luật về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ. Các nội dung này vốn bảo vệ những nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube khỏi các vụ kiện về nội dung.