16:00 09/05/2022

G7 cam kết cấm vận dầu Nga

Ngọc Trang

Cam kết này được đưa ra trong hội nghị trực tuyến của các nước thuộc nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) trong cuộc điện đàm qua video với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 8/5...

Màn hình cuộc họp qua video của các nhà lãnh đạo G7 với Tổng thống Ukraine ngày 8/5 tại Điện Elysee, Paris, Pháp - Ảnh: Reuters
Màn hình cuộc họp qua video của các nhà lãnh đạo G7 với Tổng thống Ukraine ngày 8/5 tại Điện Elysee, Paris, Pháp - Ảnh: Reuters

Động thái này đánh dấu nỗ lực mới nhất của phương Tây nhằm gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Các nước G7 cũng cam kết sẽ đa dạng hóa nguồn cung để tránh nhập khẩu hàng hóa của Nga.

G7 bao gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Vương quốc Anh và Canada. Trong đó, Mỹ và Anh đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, còn Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu - ủng hộ đề xuất Liên minh châu Âu (EU) ngừng mua dầu Nga từ tháng 1/2023.

Đối với Nhật, cam kết nói trên là bước đi mạnh mẽ nhất mà tân Thủ tướng Fumio Kishida đưa ra nhằm phản ứng với cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

"Với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng (như Nhật Bản), đây là một quyết định rất khó khăn. Nhưng sự đoàn kết của G7 là điều quan trọng nhất vào những thời điểm như bây giờ", ông Kishida phát biểu, theo một tuyên bố của Chính phủ Nhật Bản.

Sau khi Moscow tấn công Ukraine hôm 24/2, Nhật đã hành động nhanh chóng và đồng hành với G7 trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm việc đóng băng tài sản của nhiều nhà tài phiệt của nước này. Tuy nhiên, Tokyo đến nay không mặn mà với lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu và khí đốt Nga, do Nhật không có nhiều tài nguyên và phụ thuộc vào nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu nội địa, đặc biệt là từ khi nước này đóng hàng loạt lò phản ứng hạt nhân sau vụ cuộc khủng hoảng Fukushima năm 2011.

“Các nhà lãnh đạo cam kết sẽ giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, bao gồm giảm dần hoặc cấm nhập khẩu dầu của Nga”, thông cáo của G7 về cuộc điện đàm nói trên cho biết. “Chúng tôi sẽ đảm bảo làm vậy đúng thời điểm và có trật tự, và theo cách có thể dành thời gian cho thế giới tìm nguồn cung thay thế”.

Trong hội nghị trực tuyến, các nhà lãnh đạo G7 cũng nhấn mạnh sẽ thực hiện biện pháp để cấm hoặc ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ quan trọng mà Nga đang phụ thuộc.

“Việc này sẽ làm trầm trọng thêm thế bị cô lập của Nga trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế”, thông cáo nói thêm. “Các nước G7 cũng sẽ làm việc với các đối tác để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững trên toàn cầu, bao gồm đẩy nhanh tiến trình giảm sự phụ thuộc nói chung của chúng tôi vào nguyên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng năng lượng sạch – phù hợp với các mục tiêu về biến đổi khí hậu của mình”.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng cam kết tiếp tục trừng phạt “các ngân hàng Nga có mối liên hệ với nền kinh tế thế giới và có tầm quan trọng với hệ thống tài chính của Moscow” và “tiếp tục vào leo thang chiến dịch trừng phạt nhằm vào các nhân vật cấp cao trong giới tài chính cùng thành viên gia đình họ”, những người ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hội nghị G7 diễn ra trong bối cảnh EU gặp khó trong việc tìm tiếng nói chung giữa 27 quốc gia thành viên về một lệnh cấm với dầu mỏ Nga. Hungary đã phản đối đề xuất EU tiến tới ngừng nhập khẩu Nga trong vòng 6 tháng tới và ngừng mua nhiên liệu tinh chế từ tháng 1/2023. Lệnh cấm vận chuyển dầu mỏ của Nga sang một quốc gia thứ ba cũng có thể bị hoãn lại cho đến khi các nước G7 cam kết thực hiện biện pháp tương tự, CNBC dẫn nguồn tin thân cận cho biết.

Cũng trong ngày 8/5, Bộ Tài chính Mỹ công bố gói trừng phạt mới nhằm vào Nga để phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine. Theo đó, Mỹ áp đặt trừng phtạ với 3 đài truyền hình của Nga, cấm Moscow tiếp cận các dịch vụ tư vấn và kế toán của Mỹ, đồng thời cấm khoảng 2.600 quan chức Nga và Belarus nhập cảnh vào nước này.

Lần đầu tiên Mỹ áp đặt trừng phạt với ngân hàng Gazprombank - Ảnh: Reuters
Lần đầu tiên Mỹ áp đặt trừng phạt với ngân hàng Gazprombank - Ảnh: Reuters

Ngoài ra, Washington cũng áp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo của Gazprombank - ngân hàng quốc doanh lớn thứ 3 tại Nga tính theo tài sản. Đây là động thái đầu tiên của Mỹ nhằm vào Gazprombank trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đã tránh thực hiện các biện pháp có thể gây gián đoạn nguồn cung khí đốt sang châu Âu - một khách hàng lớn của Nga. 

Theo yêu cầu của Chính phủ Nga, các khách hàng nhập khẩu năng lượng Nga phải mở hai tài khoản ngân hàng tại Gazprombank, một tài khoản ngoại tệ và một tài khoản đồng Rúp, để thực hiện thanh toán. Các đơn hàng được thanh toán bằng ngoại tệ sẽ được Gazprombank chuyển đổi vào tài khoản đồng Rúp.

Cùng với đó, 8 giám đốc của Sberbank - ngân hàng nắm giữ 1/3 tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Nga, cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt. Moscow Industrial Bank và 10 chi nhánh cũng nằm trong danh sách này.