Gánh nặng kinh tế do ung thư là một vấn đề lớn
Trên thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mắc ung thư mới và 9,7 triệu ca ung thư tử vong. Năm 2023, Việt Nam có hơn 180.400 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư, số liệu do Globocan công bố...
Dự báo năm 2050 sẽ có hơn 35 triệu ca ung thư mới, so với ước tính 20 triệu ca vào năm 2022. Gánh nặng ung thư toàn cầu đang tăng nhanh phản ánh quá trình già hóa và tăng trưởng dân số, cũng như những thay đổi trong việc tiếp xúc với các yếu tố rủi ro của con người, một số trong đó có liên quan đến phát triển kinh tế xã hội. Thuốc lá, rượu và béo phì là những yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ mắc ung thư ngày càng tăng, trong khi ô nhiễm không khí vẫn là động lực chính của các yếu tố rủi ro môi trường.
Dữ liệu ung thư tại Việt Nam cũng như thế giới được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan) khảo sát và ghi nhận hàng năm, công bố gối đầu. Theo dữ liệu này, năm 2000 Việt Nam ghi nhận hơn 68.000 ca mắc mới ung thư. Số ca tăng dần qua từng năm, đến 2022 vượt 182.000 ca, tức tăng gấp 2,6 lần trong 22 năm. Tỷ suất mắc mới ở Việt Nam đứng thứ 91 trong số 185 nước, song tỷ suất tử vong đứng vị trí 50 và ngày càng tăng trên bảng xếp hạng toàn cầu. Nguyên nhân được cho là nhiều người phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Nghiên cứu tại 3 bệnh viện nước ta cho thấy bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 - 4 chiếm tới 50% - 80%. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, dù tỉ lệ người bệnh mắc mới cao hơn Việt Nam nhưng tỉ lệ tử vong thấp hơn, bởi họ có chương trình tầm soát bệnh tốt giúp phát hiện bệnh sớm. Ung thư hiện đang là nguyên nhân tử vong sớm đứng hàng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch.
Cũng theo Globocan, 5 loại ung thư đang dẫn đầu là vú, gan, phổi, dạ dày và trực tràng. Trừ ung thư vú có thể phát hiện sớm với tỷ lệ chữa khỏi hơn 90%, 4 ung thư còn lại trong số này đều rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ung thư gan, phổi. Đây là sự khác biệt về loại hình ung thư tại Việt Nam so với châu Âu (nơi ung thư da chiếm đa số và ít nguy hiểm).
Tại hội nghị Phòng chống ung thư TP.HCM lần thứ 27 do Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam và Liên chi hội Ung thư TP.HCM tổ chức ngày 5/12, ông Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết ước tính năm 2024 bệnh viện đã tiếp đón hơn 880.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong năm 2024 là 41.758, trong đó ung thư tuyến giáp chiếm tỉ lệ cao nhất (23%).
Theo TS.BS Diệp Bảo Tuấn, từ 3/2023 khi Cơ sở 2 (Thành phố Thủ Đức) của bệnh viện đi vào hoạt động đến nay, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.700 - 4.900 bệnh nhân. Trong đó có khoảng 1.000 bệnh nhân nội trú và 1.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân từ các tỉnh lân cận chiếm khoảng 82 - 84% tổng số bệnh nhân đến khám, tăng đáng kể so với trước đây.
“Hiện nay tầm soát phát hiện ung thư sớm là một trong những chiến lược trong vấn đề phòng ngừa ung thư. Chúng ta tầm soát sớm thì chúng ta mới có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả được. Hiện thành phố đang phê duyệt dự án thành lập trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao tại số 3 Nơ Trang Long. Chúng ta phải ăn lành, sống khỏe, tập đều thì không chỉ bệnh ung thư mà tất cả các loại bệnh khác cũng sẽ rời xa chúng ta”, BS Tuấn cho hay.
Đề cập đến gánh nặng ung thư, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam, khẳng định: “Bệnh ung thư không chỉ là gánh nặng cho Việt Nam mà cả thế giới đều phải đối mặt”. Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, sự gia tăng mau lẹ của bệnh ung thư phản ánh dân số lão hóa và do ảnh hưởng các yếu tố nguy cơ. Những loại virus HPV, HBV, HCV... cũng là những sát thủ vô hình làm gia tăng bệnh ung thư.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, bỏ thuốc lá, giảm rượu bia, tập luyện thể dục đều đặn... Tiêm vaccine phòng bệnh. Khám sức khỏe định kỳ hàng năm và đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường.
Chủ động tầm soát ung thư sớm theo khuyến cáo về nhóm tuổi và nhóm nguy cơ. "Người dân nên tham gia bảo hiểm y tế bởi đây là cứu cánh nếu không may mắc bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư", giáo sư Hùng khuyên. “Điều trị ung thư là quá trình lâu dài, cá nhân hóa, nên chi phí thường rất lớn”.
Còn theo PGS. TS. BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca mắc mới và tỷ lệ tử vong do ung thư đang có xu hướng gia tăng. Điều này đòi hỏi ngành y tế không chỉ tập trung vào điều trị mà còn phải chú trọng vào công tác phòng ngừa, phát hiện sớm và chăm sóc giảm nhẹ. Theo kế hoạch phòng chống ung thư trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, tập trung vào các giải pháp trọng tâm như tăng cường công tác tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý ung thư để điều trị hiệu quả hơn, thời gian điều trị ngắn hơn.
Đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên ngành ung bướu theo các cấp độ kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển hệ thống, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu để nâng cao hơn nữa chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, công tác chăm sóc giảm nhẹ ung thư tại y tế cơ sở là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị ung thư toàn diện, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Chăm sóc giảm nhẹ không chỉ giúp bệnh nhân ung thư giảm bớt đau đớn, cải thiện tinh thần mà còn giúp họ duy trì sự lạc quan trong suốt quá trình điều trị. Do đó, xây dựng và phát triển mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ ung thư tại y tế cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống ung thư.
Trước đó, tại Hội thảo phòng chống ung thư Hà Nội năm 2024, các chuyên gia khẳng định gánh nặng kinh tế do ung thư tại Việt Nam là vấn đề lớn, với chi phí điều trị căn bệnh này mỗi năm cũng tiêu tốn hàng trăm triệu USD. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2021, chi tiêu y tế tại Việt Nam là 173 USD/người, trong đó một tỷ lệ đáng kể dành cho điều trị ung thư.