Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến bệnh toàn thân
Các chuyên gia cảnh báo việc không chăm sóc răng miệng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, dẫn đến các vấn đề nguy hiểm như đau tim và đột quỵ…
Theo Bộ Y tế, 90% người dân Việt Nam mắc bệnh răng miệng, trong khi đó tỉ lệ người dân đi khám răng miệng định kỳ trong 1 năm rất thấp, chỉ khoảng 7%. Phần lớn người dân đi khám khi đã có triệu chứng sưng đau, viêm nhiễm nên việc điều trị thường tốn kém, phức tạp. Đáng chú ý, có tới 85% trẻ em có sâu răng sữa, còn sâu răng vĩnh viễn đang gia tăng theo độ tuổi; với người người trưởng thành có tới hơn 80% bị viêm lợi, viêm quanh răng. Các bệnh này là nguyên nhân chủ yếu gây mất răng sớm.
Ngày 18/11 vừa qua, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM đã phối hợp với Hội Hàn lâm Nha khoa dự phòng Châu Á tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 16 của Hội Hàn lâm Nha khoa dự phòng Châu Á tại TP.HCM. Phát biểu tại hội nghị, TS.BS. Hà Anh Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: "Việt Nam là quốc gia đang phát triển, hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng. Nha khoa dự phòng ở nước ta cần được thực hiện để đảm bảo tương lai cho người dân".
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh hệ thống như bệnh tim, tiểu đường và các vấn đề về hô hấp. Theo TS.BS. Hà Anh Đức, văn hoá phòng ngừa đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên còn gặp nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của tập thể.
Để tăng cường dự phòng bệnh răng miệng tại Việt Nam, cần: Khởi động các sáng kiến toàn quốc để giáo dục mọi người về tầm quan trọng của vệ sinh răng miệng; Thu hút các trường học, nơi làm việc và trung tâm cộng đồng để thúc đẩy kỹ thuật đánh răng, thói quen ăn uống lành mạnh và giá trị của việc kiểm tra nha khoa định kỳ.
Đồng thời, phát triển quan hệ đối tác với các trường học để cung cấp dịch vụ khám nha khoa thường xuyên và phòng ngừa sâu răng bằng verni fluor; giúp tiếp cận với kem đánh răng có fluor và triển khai các chương trình fluor hóa nước nếu khả thi, vì fluor đã được chứng minh làm giảm sâu răng. Ngoài ra, đào tạo giáo viên để củng cố thực hành vệ sinh răng miệng tốt trong lớp học...
Trước đó, tại hội thảo khoa học chuyên sâu với chủ đề “Bệnh nội khoa liên quan đến sức khỏe răng miệng”, PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bích Đào, PGĐ BV. Tim Tâm Đức, Quận 7 đã nhấn mạnh: “Sức khỏe răng miệng từ lâu đã bị bỏ quên trong y tế toàn cầu”. Các bệnh răng miệng phổ biến nhất là sâu răng, viêm nha chu và ung thư miệng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe toàn thân, trong khi nhiều bệnh răng miệng có thể ngăn ngừa được nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Điều này khiến các bác sĩ, chuyên gia y tế và các nhà hoạch định chính sách dành sự quan tâm đúng mực đến vấn đề này.
Liên quan trực tiếp đến sức khỏe răng miệng, cụ thể là bệnh viêm nha chu, PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bích Đào cho biết viêm nha chu được mô tả là một biến chứng lớn của bệnh đái tháo đường và liên quan rất nhiều bệnh lý khác trong cơ thể con người. Bệnh viêm nha chu còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như cao huyết áp, đột quỵ, xơ vữa động mạch là các biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường. Từ những thực trạng trên PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bích Đào nhấn mạnh trách nhiệm của bác sĩ răng hàm mặt khi gặp các bệnh nhân có vấn đề về răng phải cho bệnh nhân kiểm tra đường huyết để tầm soát bệnh tiểu đường, từ đó có được điều trị và chăm sóc tốt cho người bệnh.
Với tham luận “Bệnh nha chu và sức khỏe toàn thân”, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh nha chu là nguyên nhân của rất nhiều bệnh toàn thân như bệnh tim mạch do xơ vữa mạch máu, hội chứng rối loạn chuyển hóa dẫn đến thừa cân, béo phì, bệnh thận mãn tính, bệnh lý hô hấp, viêm khớp dạng thấp, bệnh alzheimer – mất trí nhớ ở người lớn tuổi. Khi mối liên quan giữa bệnh nha chu và các bệnh toàn thân đã được xác định rõ ràng, việc điều trị và kiểm soát tốt bệnh nha chu luôn có lợi cho sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân. Từ đó có thể tác động tích cực làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và chi phí cho chăm sóc sức khỏe toàn thân.
Theo PGS-TS Trần Cao Bính, Chủ tịch Hội Răng hàm mặt Việt Nam, ngành răng hàm mặt là một trong ít ngành không chỉ “giữ chân” người bệnh không ra nước ngoài khám, điều trị mà còn thu hút nhiều Việt kiều về Việt Nam thăm khám. Tại hội nghị Khoa học Quốc tế “Chinh phục thách thức thẩm mỹ trong nha khoa đương đại”, Theo PGS Trần Cao Bính khẳng định nhiều kỹ thuật ngành nha khoa tại Việt Nam sánh ngang với các nước trong khu vực.
“Việt Nam thực hiện được hầu hết các kỹ thuật cao trong ngành răng hàm mặt, chi phí rất cạnh tranh, do đó không chỉ “giữ chân” người bệnh trong nước mà còn thu hút rất nhiều Việt kiều về nước vừa thăm gia đình kết hợp với khám và điều trị răng miệng. Nguyên nhân chi phí điều trị trong nha khoa thấp hơn so với các nước là vì tiền công cho bác sĩ thấp, trong khi đó thì tiền công cho bác sĩ các nước rất cao; còn vật liệu sử dụng cũng giống nhau”, PGS. Bính chia sẻ.
Theo TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Văn Lang, vấn đề chăm sóc sức khoẻ răng hàm mặt tại Việt Nam vẫn chưa được quan tâm nhiều. Chính vì vậy, rất nhiều trường hợp bị mất răng do sâu răng, viêm nha chu… Mất răng không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chức năng nhai.
“Khi mất răng, hệ thống nhai không tốt sẽ ảnh hưởng đến chức năng toàn thân như đau bao tử hoặc làm mất chức giải toả căng thẳng. Bên cạnh đó, mất răng còn làm xáo trộn hệ thống nhai, khớp cắn, đau khớp thái dương hàm. Không ít trường hợp bệnh nhân bị trầm cảm do đau khớp thái dương hàm,” TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi giải thích thêm.
Với các vấn đề nêu trên, các bác sỹ cho rằng việc dự phòng bệnh răng miệng cho cộng đồng đặc biệt là trẻ em là quan trọng, cần được quan tâm cũng đã được chứng minh mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội. Tại Việt Nam, PGS Bính cho biết mọi người thường có thói quen đánh răng xong rồi ăn sáng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo mới nhất để giúp hàm răng chắc khoẻ hơn, tốt nhất nên đánh răng sau ăn sáng hoặc thực hiện việc đánh răng trước và sau khi ăn sáng 2 tiếng.
Bởi lẽ trong kem đánh răng có thành phần sodium fluoride (còn gọi là flo) giúp bảo vệ răng chắc khoẻ hơn. Khi đánh răng xong mà ăn luôn thì flo sẽ đào thải, không tồn tại trong nước bọt và không thể ngấm vào răng để bảo vệ men răng. "Để bảo vệ răng miệng tốt nhất, mỗi người cần đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Đánh răng ít nhất 2 phút/lần, hạn chế ăn trong khoảng 2 giờ sau khi đánh răng và 1 năm đi khám răng miệng định kỳ 2 lần", PGS Bính khuyến cáo.