14:26 07/08/2017

Gặp khó vì Uber, Grab, Taxi truyền thống lại than về đề xuất mới của Hà Nội

Kiều Linh

Áp lực cạnh tranh từ Uber, Grab khiến các doanh nghiệp taxi truyền thống lao. Chưa dừng lại đó, đề xuất mới của Hà Nội lại đẩy các hãng taxi vào khó khăn

Nhiều đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được cho là gây khó cho các doanh nghiệp taxi.
Nhiều đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được cho là gây khó cho các doanh nghiệp taxi.
Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội góp ý về quy chế quản lý taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong bản góp ý này, Hiệp hội Taxi Hà Nội đề xuất bỏ nhiều quy định về vùng phục vụ, trung tâm điều hành chung của các đơn vị vận tải...

Phân vùng phục vụ gây khó doanh nghiệp?

Cụ thể, văn bản do Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội ông Đỗ Quốc Bình ký cho hay, tại khoản 1, điều 9, quy định về tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi ghi rõ: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi xây dựng phương án kinh doanh theo vùng trình Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phê duyệt; phương án kinh doanh phải đảm bảo các tiêu chí: vùng phục vụ, biển số xe hoạt động theo vùng, màu sơn, điểm đỗ, điềm dừng đón trả khách…

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được đăng ký nhiều khu vực hoạt động trên mỗi vùng phục vụ. Trong một tháng, xe taxi phải đảm bảo thời gian hoạt động trong vùng phục vụ tối thiểu 70%.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc quy định lấy địa giới hành chính để phân vùng phục vụ đối với xe taxi là không khả thi.

Nguyên nhân là vì, thực tế, việc phân định địa giới hành chính giữa các quận, huyện là điều khó khăn, lái xe không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được để phục vụ. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp có địa bàn hoạt động ở các khu vực giáp ranh như: Long Biên - Gia Lâm; Hoàng Mai - Thanh Trì; Từ Liêm - Hoài Đức - Đan Phượng… thì việc phân vùng phục vụ như trên sẽ gây khó cho doanh nghiệp.

Hiệp hội Taxi Hà Nội phân tích, hiện nay, dư luận xã hội cũng như cơ quan quản lý đều cho rằng taxi truyền thống phải giảm thiểu chi phí hoạt động, tăng tỷ lệ có khách, giảm số km rỗng để hạ giá thành sản phẩm dịch vụ. Vậy thì việc phân vùng phục vụ sẽ càng làm tăng số km rỗng hay không? Bởi vì các xe ở vùng 1 chở khách sang vùng 2 lại phải quay về vùng 1 để hoạt động.

Ngoài ra, việc phân vùng hoạt động bắt buộc các doanh nghiệp phải tăng bộ máy quản lý, giám sát. Như vậy sẽ làm gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh.

“Việc quy định các xe phải hoạt động trong vùng đã đăng ký thì công tác giám sát sẽ thực hiện thế nào khi tại khoản 3, điều 5 của quy chế quy định: Từ năm 2025, thống nhất màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố?”, Hiệp hội Taxi Hà Nội đặt câu hỏi.

Kiến nghị bỏ nhiều đề xuất “lạ

Tại khoản 2, điều 9 quy định: “Từ ngày 1/7/2018, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải sử dụng phần mềm hỗ trợ điều hành xe taxi (đặt/gọi taxi). Dữ liệu phần mềm hỗ trợ điều hành xe taxi được kết nối với dữ liệu thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên xe taxi và kết nối với dữ liệu phần mềm điều hành chung của trung tâm quản lý điều hành giao thông thành phố”.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Hiệp hội Taxi Hà Nội đánh giá việc sử dụng Trung tâm điều hành chung không làm chất lượng dịch vụ của taxi Hà Nội tốt hơn.

Trung tâm điều hành cũng không làm cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động taxi của thành phố tốt hơn, mà ngược lại, làm gia tăng thêm bộ máy con người, tăng gánh nặng cho ngân sách Thành phố. Hơn nữa, việc sử dụng ngân sách nhà nước vào để điều hành một hoạt động thay cho doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân thì chưa có tiền lệ.

“Việc này sẽ tạo nên mô hình mang dáng dấp hợp tác xã, bao cấp, trái với quy luật của nền kinh tế thị trường”, văn bản khẳng định.

Hiệp hội này cho rằng, không thể đảm bảo các nhân viên điều hành không có hành vi “ăn dơ” với các doanh nghiệp, lái xe để điều chuyển các cuốc khách cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã phải có lực lượng thanh tra, giải pháp công nghệ, giám sát trực tiếp từ trung tâm điều hành đến giám đốc, các bộ phận nghiệp vụ của doanh nghiệp để ngăn chặn việc này, vậy thành phố có xây dựng lực lượng thanh tra chuyên trách ngày đêm theo dõi hiện tượng ăn chặn này không?

“Những chi phí này do thành phố gánh chịu hay phân bổ cho các doanh nghiệp taxi? Chưa kể, các doanh nghiệp đều có trung tâm điều hành được đầu tư hiện đại, mua phần mềm ứng dụng đặt/gọi xe cho hãng với giá trị lớn, thành phố sẽ giải quyết thế nào với trung tâm và ứng dụng này?”.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, quan hệ giữa các taxi và khách hàng là quan hệ trực tiếp, khách hàng lựa chọn dịch vụ taxi trên cơ sở chất lượng và giá của dịch vụ.

“Việc sử dụng trung tâm này thực chất là làm mất đi giá trị thương hiệu từ các doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều năm để san sẻ cho các doanh nghiệp mới, quản lý yếu kém, ít đầu tư. Hệ quả là các doanh nghiệp không đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, dịch vụ taxi Hà Nội sẽ đi xuống. Từ đánh giá trên, chúng tôi góp ý bỏ quy định này”, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị.

Ngoài ra, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng kiến nghị bỏ quy định về đấu giá quyền khai thác kinh doanh.

Chia sẻ thêm, ông Đỗ Quốc Bình cho hay, các doanh nghiệp taxi đều lo ngại nếu quy chế này được thông qua và ban hành như một quy phạm pháp luật sẽ tạo ra nhiều rủi ro, dẫn đến sự phá sản của toàn bộ các doanh nghiệp taxi trên địa bàn thành phố.

“Trong các lần dự thảo quy chế trước, các doanh nghiệp taxi và Hiệp hội Taxi Hà Nội đã góp nhiều ý kiến bổ ích, mang tính thực tiến nhưng ít được cơ quan soạn thảo tiếp thu, quan điểm của cơ quan soạn thảo quy chế vẫn không thay đổi”, ông Bình nói.