11:04 11/04/2023

GCF tăng vốn lên 360 tỷ đồng và niêm yết trên HOSE vào cuối năm 2023

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Công ty cổ phần Thực phẩm GC (GCF) đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc đưa cổ phiếu GCF từ sàn UPCoM lên HOSE vào cuối năm 2023…

Năng lực sản xuất thạch nha đam của GCF lên đến 35.000 tấn/năm, xuất khẩu đi các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đông Nam Á...
Năng lực sản xuất thạch nha đam của GCF lên đến 35.000 tấn/năm, xuất khẩu đi các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đông Nam Á...

Theo các tờ trình đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, năm 2023,  GCF (UPCoM) đặt mục tiêu doanh thu hơn 523 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế ước đạt 26 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ.

Đại hội cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 100 tỷ đồng lên 360 tỷ đồng thông qua phát hành 10 tỷ đồng cổ phiếu ESOP theo mệnh giá dành cho cán bộ, chuyên viên chủ chốt của Công ty; phát hành 20-30 tỷ đồng cổ phiếu cho các đối tác đóng góp phát triển của Công ty với giá không thấp hơn 12.000 đồng/CP; phát hành 60-70 tỷ đồng cổ phiếu cho các tổ chức tài chính với giá không thấp hơn 15.000 đồng/CP.

Cùng với đó, là kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8%. Theo đó , số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành để chi trả cổ tức là 2.454.400 cổ phiếu, tương đương với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá 24,544 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất có kiểm toán của năm 2022. Tỷ lệ 8% này dự kiến được duy trì sang năm 2023 nhưng sẽ thực hiện bằng tiền mặt.

Doanh thu GCF tăng trưởng đều đặn qua các năm, riêng lãi sau thuế 2 năm gần đây sụt giảm do tình hình không thuận lợi.
Doanh thu GCF tăng trưởng đều đặn qua các năm, riêng lãi sau thuế 2 năm gần đây sụt giảm do tình hình không thuận lợi.

Chia sẻ với cổ đông về chiến lược kinh doanh sắp tới, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT của GCF, cho biết trong 3 năm từ 2023-2025, Công ty sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi. Doanh nghiệp sẽ đầu tư sản phẩm hóa mỹ phẩm trên chất liệu nha đam, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nha đam quy mô lớn, đầu tư nhà máy sản xuất nước giải khát (nha đam, thạch dừa, trái cây),... với mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và chế biến thực phẩm chất lượng cao.

GCF được biết đến là “vua nha đam” tại thị trường Việt Nam. Các sản phẩm liên quan đến nha đam và thạch dừa của doanh nghiệp này hiện chiếm gần 90% trong tổng doanh thu trong các năm qua. Năm 2022, GCF ghi nhận doanh thu 431 tỷ đồng (tăng 29% so với năm 2021), tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm đến 39%, đạt 26,5 tỷ đồng do chi phí hoạt động tăng .

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GCF hiện đang niêm yết trên UPCoM với 26 triệu cổ phiếu, ngày đầu tiên là 20/12/2022, và số lượng cổ phiếu hiện đang lưu hành là 30,68 triệu cổ phiếu. Để tăng cường sự hiện diện, mở rộng đầu tư phát triển, GCF dự kiến đưa cổ phiếu GCF lên niêm yết trên HOSE.

“Chúng tôi đã tiến hành đúng lộ trình là đưa cổ phiếu của mình giao dịch tại UPCoM theo quy định. Chúng tôi nhận thấy cơ hội đang đến gần để bước lên một vị thế mới. Nếu diễn biến thị trường thuận lợi, chúng tôi sẽ tiến hành IPO vào quý 3/2023, tiến đến chuyển cổ phiếu GCF từ UPCoM sang giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào quý 4 năm nay”, ông Thứ chia sẻ thêm.

Để đáp ứng yêu cầu của 1 công ty đại chúng, chuẩn bị niêm yết lên sàn HOSE, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua bầu bổ sung 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Theo đó, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển được bầu vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị độc lập nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ông Đinh Thế Hiển hiện đang là Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, đồng thời là Chủ tịch Ban đại diện Quỹ đầu tư ManuLife.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần 10/4/2023, cổ phiếu GCF đóng cửa ở mức 14.600 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa gần 448 tỷ đồng, với 7.400 cổ phiếu được chuyển nhượng.