09:28 24/02/2024

Giá bất động sản khu vực Tây Nam bộ sẽ tăng trong thời gian tới?

Ban Mai

Sẽ có tác động lớn trong cơ cấu về phân khúc bất động sản khi pháp luật cấm phân lô bán nền trong các đô thị đặc biệt và loại I, II, III…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ và Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam vừa phối hợp tổ chức tọa đàm Bất động sản Tây Nam Bộ 2024: “Đón cơ hội trong vận hội mới” vào chiều 22/02/2024.

2024 LÀ NĂM BẢN LỀ TRONG CHU KỲ TĂNG TRƯỞNG MỚI

Tại tọa đàm, các đại biểu đã nhìn nhận thị trường bất động sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: 1.286 doanh nghiệp bất động sản giải thể năm 2023 (tăng 7,7% so với năm 2022); 3.705 doanh nghiệp tạm ngừng có thời hạn (tăng 47% so với năm 2022); hàng nghìn môi giới đã bỏ nghề, chuyển đổi sang các lĩnh vực khác (chỉ còn khoảng 20-30% môi giới đang hoạt động); sức khỏe nội tại các doanh nghiệp bất động sản chưa đủ mạnh để ứng phó với khó khăn, thách thức đang hiện hữu… Từ hiện trạng trên, bất động sản khu vực Tây Nam bộ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bức tranh trầm lắng của thị trường chung.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, 2024 là năm bản lề trong chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó, bất động sản Tây Nam bộ được đánh giá là thị trường nổi bật, điểm sáng về biên độ lợi nhuận khi sở hữu mặt bằng giá bất động sản thấp so với cả nước.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ, bất động sản khu vực Tây Nam Bộ hiện đang bước vào vận hội mới khi được Trung ương quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội và mở ra không gian phát triển cho thị trường bất động sản trong vùng. Dự kiến đến năm 2025, toàn vùng sẽ có 550 km đường cao tốc. Trong đó, 02 tuyến cao tốc trọng điểm của vùng là tuyến cao tốc TP.HCM - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đón đầu cơ hội phát triển của vùng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực rót vốn đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cao ốc văn phòng, các khu nghỉ dưỡng, trường học, trung tâm thương mại…

Bên cạnh đó, quy hoạch các tỉnh trong vùng đến nay đều được phê duyệt là nền tảng để các tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư phát huy lợi thế; đồng thời, tạo nên cú hích cho thị trường bất động sản của vùng có nhiều tiềm năng phát triển.

SẼ CÓ TÁC ĐỘNG LỚN TRONG CƠ CẤU BẤT ĐỘNG SẢN

Theo ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ, sẽ có tác động lớn trong cơ cấu về phân khúc bất động sản khi pháp luật cấm phân lô bán nền trong các đô thị đặc biệt và loại I, II, III. Khi luật cấm, thì đất nền tự phân lô trong giai đoạn tới chắc chắn sẽ giảm. Với những dự án được phân lô đã được cấp phép, thì đây là nguồn cung sản phẩm đất nền cuối cùng trong năm nay được tồn tại trong các đơn vị này. Dự báo giá đất nền trong những năm tới sẽ tăng.

“90% đất nền trên thị trường do cá nhân tự phân lô, doanh nghiệp có rất ít. Trong dài hạn, quy định trên giúp thị trường đất nền phát triển bền vững, lành mạnh hơn. Đây là giải pháp bền vững, giúp đô thị Việt Nam ngày càng đẹp hơn, trật tự hơn”, ông Thủy nhận định.

Số liệu thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ cho thấy, năm 2023 tổng lượng giao dịch bất động sản tại TP. Cần Thơ giảm 20% so với năm 2022, đạt 7.155 giao dịch. Tuy nhiên, trong quý 4/2023, lượng giao dịch tăng 8% so với quý 3/2023. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực của thị trường.

Trong năm 2023, TP. Cần Thơ có 05 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, gồm 03 dự án nhà ở thương mại và 02 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 1.196 căn hộ và 11 lô nhà ở liền kề, 02 lô nhà biệt thự. Tổng nguồn cung trên địa bàn TP. Cần Thơ là 298 dự án với 60.559 sản phẩm, trong đó, nguồn cung từ dự án đất nền là 101 dự án và dự án bán nhà ở hình thành trong tương lai là 197 dự án.

Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ dự báo giá bán sơ cấp căn hộ có xu hướng tăng 5-10%. Giá bán thứ cấp đi ngang.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm. Các dự án bất động sản dần được tháo gỡ pháp lý, quy hoạch các tỉnh thành hoàn thành và công bố giúp cho nhà đầu tư đánh giá được tiềm năng đối với các lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là bất động sản.

Hạ tầng giao thông và khu công nghiệp (đặc biệt tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đã thông xe, triển khai dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh) là cú huých cho thị trường bất động sản đồng bằng sông cửu Long sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ…

 
Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Quốc hội bấm nút thông qua, trong đó quy định việc cấm phân lô, bán nền thuộc khu vực phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II, III. 
Quy định này chặt chẽ hơn so với quy định hiện hành chỉ ngăn chặn phân lô, bán nền tại các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%.