10:49 11/01/2020

Giá dầu chốt tuần giảm mạnh nhất 6 tháng

Thăng Điệp

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khép lại tuần giảm mạnh nhất nửa năm

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters/CNBC.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters/CNBC.

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khép lại tuần giảm mạnh nhất nửa năm. Dầu trượt giá khi căng thẳng ở Trung Đông dịu đi và giới đầu tư chú ý nhiều hơn đến lượng dầu tồn kho tăng của Mỹ, cũng như những dấu hiệu khác cho thấy nguồn cung dồi dào.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,45 USD/thùng, còn 64,92 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,52 USD/thùng, còn 59,04 USD/thùng.

Tính cả tuần, giá cả hai loại dầu đều giảm hơn 6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2019.

Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, tình hình Trung Đông vẫn còn nhiều bất ổn và điều này sẽ còn hỗ trợ cho giá dầu.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 10/1 tuyên bố áp các biện pháp trừng phạt mới lên Iran để đáp trả việc Iran dùng tên lửa tấn công vào căn cứ có quân Mỹ ở Iraq cách đây ít hôm. Ngoài ra, Hạm đội 5 đóng ở Bahrain của Hải quân Mỹ cho biết một tàu hải quân Nga đã lại gần ở cự ly nguy hiểm với một tàu khu trục Mỹ ở Biển Bắc Arabia và hôm thứ Năm.

"Tình hình Mỹ-Iran dịu đi dẫn tới cảm giác nguồn cung dầu được an toàn, nhưng lệnh trừng phạt mới của Mỹ áp lên Iran và việc chiến hạm Nga lại gần tàu Mỹ vẫn khiến thị trường có chút lo lắng", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group phát biểu với hãng tin Reuters.

Mức giảm tuần này đưa giá dầu Brent và WTI trở lại mức trước khi xảy ra vụ không kích của Mỹ vào sân bay ở Baghdad, Iraq hôm 3/1 khiến tướng Qassem Soleimani của Iran thiệt mạng. Iran đáp trả bằng vụ tấn công tên lửa vào căn cứ Mỹ ở Iraq. Tuy nhiên, sự gián đoạn nguồn cung dầu đã không xảy ra.

Phiên ngày thứ Sáu, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số việc làm mới ở nước này trong tháng 12 không đạt dự báo.

Ngoài ra, báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ hôm thứ Tư cho thấy lượng xăng dầu tồn kho của nước này đều tăng trong tuần trước - một dấu hiệu của sự dồi dào nguồn cung. Trong đó, tồn kho dầu thô tăng cho dù dự báo là giảm, và tồn kho xăng tăng mạnh nhất 4 năm.

Từ ngày 1/1, nhóm OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga, đã bắt đầu nâng mức cắt giảm sản lượng khai thác dầu lên 1,7 triệu thùng/ngày từ mức 1,2 triệu thùng/ngày trước đó. Nỗ lực hạn chế khai thác dầu của OPEC là nhân tố quan trọng đưa giá dầu tăng trong 2019.

Giới phân tích dự báo giá dầu cũng sẽ được hỗ trợ trong mấy tháng tới nhờ sự cải thiện của các yếu tố nền tảng. Chiến lược gia Phil Streible của Blue Line Futures cho rằng sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ tăng chững lại và các nước OPEC sẽ nghiêm túc thực thi thỏa thuận hạn chế sản lượng.