Giá dầu tăng mạnh do tín hiệu hạn chế sản lượng từ OPEC
Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, tiếp tục hồi phục khỏi mức đáy của 5 tháng thiết lập trong tuần này
Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, tiếp tục hồi phục khỏi mức đáy của 5 tháng thiết lập trong tuần này, sau khi Saudi Arabia nói rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang đi gần đến nhất trí gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 7 tại thị trường New York tăng 1,4 USD/thùng, tương đương tăng 2,7%, chốt ở 53,99 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 7 tăng 1,62 USD/thùng, tương đương tăng 2,6%, chốt ở 63,29 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 0,9%, còn giá dầu Brent tăng 2,1%.
Trước khi tăng mạnh trong hai phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu, giá vàng đã giảm mạnh vào nửa đầu tuần do nỗi lo suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lượng dầu tồn kho cao ở Mỹ. Hôm thứ Tư, giá dầu WTI đã rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) khi chốt phiên ở 51,68 USD/thùng, thấp hơn 22% so với mức đỉnh thiết lập hôm 23/4.
Cũng vào giữa tuần, giá dầu Brent giảm dưới 60 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1.
Hãng tin Reuters cho biết, tại một cuộc họp báo ở Nga ngày thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih nói rằng OPEC và đồng minh, tức nhóm OPEC+, có thể gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng dầu khi thỏa thuận này hết hạn vào cuối tháng 6. Thỏa thuận giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày đã được OPEC+ thực thi từ đầu tháng 1 đến nay.
Theo ông al-Falih, OPEC đã tiến gần tới nhất trí gian hạn sản lượng, nhưng vẫn cần phải đàm phán thêm với các đối tác ngoài khối.
Ngoài nỗi lực giảm sản lượng của OPEC+, nguồn cung dầu toàn cầu cũng đang bị siết lại bởi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran. Ngày thứ Năm, Mỹ tăng cường trừng phạt công ty dầu khí quốc gia Venezuela nhằm gia tăng sức ép đối với Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Mặc dù vậy, giá dầu vẫn đang đối mặt áp lực giảm từ sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và với Mexico. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cho thấy dấu hiệu yếu đi khi công bố số liệu việc làm kém khả quan vào ngày thứ Sáu.
Báo cáo thường kỳ của Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này chỉ có thêm 75.000 công việc mới trong tháng 5, ít hơn nhiều so với mức dự báo 185.000 công việc mới mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Do các số liệu kinh tế yếu kém và xung đột thương mại lan rộng, ngân hàng Đức Commerzbank đã hạ dự báo giá dầu Brent trong quý 3 năm nay về 66 USD/thùng, từ mức dự báo 73 USD/thùng đưa ra trước đó.