08:03 31/10/2019

Giá dầu xuống đáy 1 tuần do tồn kho của Mỹ tăng

Thăng Điệp

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần

Người công nhân làm việc trên một mỏ dầu ở bang Texas, Mỹ, tháng 5/2018 - Ảnh: Getty/CNBC.
Người công nhân làm việc trên một mỏ dầu ở bang Texas, Mỹ, tháng 5/2018 - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần, sau khi báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu thô của nước này tăng mạnh hơn dư báo.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao tháng 12 tại New York giảm 0,48 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 55,06 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 12 giảm 0,98 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 60,61 USD/thùng.

Theo dữ liệu của Dow Jones Market Data, đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả dầu WTI và Brent kể từ hôm 22/10. Tính đến phiên này, giá dầu đã giảm 3 phiên liên tiếp.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của nước này tăng 5,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 25/10, vượt xa mức dự báo tăng 2,5 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Nhập khẩu dầu thô vào Mỹ từ Canada tăng, cộng thêm một đợt xả dầu từ Dự trữ Dầu lửa Chiến lược (SRP) của Mỹ là nguyên nhân chính dẫn tới lượng dầu tồn kho tăng - theo ông Matt Smith, Giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản của ClipperData, nhận định với trang MarketWatch.

Trong khi đó, "đầu vào cho các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đã ở dưới mức 16 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong 4 tuần liên tiếp do các nhà máy tiếp tục hoạt động ở mức thấp để thực hiện kỳ bảo trì hàng năm", ông Smith nhấn mạnh.

Theo báo cáo của EIA, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ hiện ở mức 438,9 triệu thùng, cao hơn khoảng 1% so với mức bình quân 5 năm ở thời điểm này hàng năm.

Phiên này, giá dầu cũng chịu áp lực giảm từ kỳ vọng giảm sút vào khả năng Mỹ và Trung Quốc sớm ký kết một thỏa thuận thương mại. Theo tin mới nhất, do biểu tình gia tăng ở thủ đô Santiago của Chile, nước này đã hủy đăng cai hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), sự kiện mà lãnh đạo Mỹ-Trung dự kiến gặp để ký thỏa thuận.

Tuy nhiên, giá dầu được hỗ trợ bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có đợt giảm lãi suất thứ ba trong năm 2019 và đưa ra triển vọng lạc quan, dù có phần thận trọng, về tăng trưởng kinh tế.

Gần đây, có một số thông tin nói rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác, tức nhóm OPEC+, đang cân nhắc giảm thêm sản lượng để hỗ trợ giá dầu. Quyết định về sản lượng dự kiến sẽ được OPEC+ đưa ra trong cuộc họp của nhóm vào đầu tháng 12.