Giá hàng hoá cơ bản trượt dốc, dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu?
Sau khi tăng chóng mặt trong năm 2022, giá hàng hoá cơ bản như lương thực, kim loại và năng lượng đã đồng loạt giảm mạnh...
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giá lương thực cơ bản toàn cầu đã tăng gần 40% trong vòng 2 năm trước khi nổ ra cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Còn theo chỉ số giá hàng hoá cơ bản Bloomberg Commodity Spot Index, giá lương thực toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 5/2022, hai tháng sau khi chiến tranh bùng nổ.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá hàng hoá cơ bản toàn cầu, trong đó có giá lương thực, đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Phó chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Ayhan Kose nhận định rằng giá hàng hoá cơ bản toàn cầu đang trong một xu hướng giảm.
“Giá hàng hoá cơ bản giảm một phần do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhưng không nên coi đó là dấu hiệu của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sắp xảy ra”, ông Kose nói với tờ báo Đức DW. “Chúng tôi cho rằng nền kinh tế toàn cầu, dù đang yếu, sẽ tránh được suy thoái trong năm 2023-2024. Tuy nhiên, nếu các rủi ro suy giảm tăng trưởng khác trở thành hiện thực, suy thoái vẫn có thể xảy ra”.
Dự báo của ông Kose dựa trên cơ sở cho rằng căng thẳng gần đây trong hệ thống ngân hàng ở Mỹ và một số nền kinh tế phát triển khác tiếp tục được kiểm soát.
GIÁ LƯƠNG THỰC XUỐNG THANG NHANH
Việc chỉ số đo giá hàng hoá cơ bản toàn cầu tụt giảm trong 5 tháng đầu năm nay phản ánh hoạt động xuất khẩu nhiều hàng hoá cơ bản từ Nga và Ukraine được nối lại, điều kiện thời tiết mùa đông không quá khắc nghiệt, và gần đây hơn là sự giảm tốc của hoạt động kinh tế thế giới - theo ông Kose.
Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), thước đo theo dõi những lương thực cơ bản được giao dịch nhiều nhất thế giới như ngũ cốc, sữa và dầu ăn, cho thấy giá lương thực cơ bản đã giảm 22% trong vòng 1 năm qua. Trong đó, giá dầu thực vật giảm nhiều nhất, với mức giảm 48%, phản ánh giá đồng loạt giảm ở dầu cọ, dầu đậu nành, dầu hạt nho và dầu hạt hướng dương.
Ukraine sản xuất khoảng một nửa lượng dầu hạt hướng dương của thế giới và cuộc chiến tranh ở nước này đã đẩy giá dầu hạt hướng dương tăng mạnh. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu hạt hướng dương của Ukraine đã phục hồi gần đây, giúp giá “hạ nhiệt”.
Giá ngũ cốc như lúa mì và ngô đã giảm 1/4 từ mức cao kỷ lục cách đây 1 năm. Giá lúa mì đã giảm 3,5% trong vòng 1 tháng trở lại đây. Ngân hàng Thế giới (WB) nói rằng việc gia hạn thoả thuận ngũ cốc Biển Đen - thoả thuận tạo điều kiện cho việc xuất khẩu ngũ cốc từ Nga và Ukraine trong bối cảnh chiến tranh tiếp diễn - cho tới tháng 7/2023 đã mang tới một sự giải toả tạm thời các áp lực tăng giá ngũ cốc. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán lại thoả thuận này trong tương lai vẫn còn bấp bênh, đặt ra rủi ro hạn chế nguồn cung trong thời gian còn lại của năm.
“Ngoài ra, các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến việc phá hủy một con đập khổng lồ làm dấy lên lo ngại mới về nguồn cung cấp lương thực qua đường Biển Đen từ khu vực bị chiến tranh tàn phá”, ông Ole Hansen - người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo, nói với DW.
Ông Scott Irwin, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Illinois, cho biết khu vực miền Nam Ukraine nơi con đập bị vỡ là nơi có những cánh đồng rộng lớn và việc xây dựng lại con đập sẽ mất nhiều năm, điều này có thể cản trở khả năng xử lý lũ lụt của Ukraine trong vựa lúa mì.
GIÁ NĂNG LƯỢNG ĐUỐI SỨC
Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã có những tác động kinh tế đáng kể khác trong năm ngoái. Nhóm cổ phiếu năng lượng trong chỉ số S&P 500 là bộ phận có mức tăng trưởng tốt nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2021 và 2022, tăng hơn 50% vào năm 2022 do cuộc chiến tranh đẩy giá dầu thô lên cao.
Nhưng tâm trạng của nhà đầu tư hiện đã thay đổi, với nhóm cổ phiếu năng lượng trong S&P 500 đã giảm 5% kể từ đầu năm so với mức tăng gần 15% của toàn chỉ số trong cùng khoảng thời gian. Giá năng lượng toàn cầu được dự đoán sẽ giảm 26% trong năm nay. Giá dầu thô Brent dự kiến sẽ bình quân ở mức 84 USD/thùng trong năm nay, giảm 16% so với mức bình quân của năm 2022.
Giá khí đốt tự nhiên ở thị trường châu Âu và Mỹ được dự báo sẽ giảm một nửa trong năm nay so với năm ngoái, còn giá than dự kiến sẽ giảm 42%. Về phía nguồn cung, việc châu Âu mở rộng năng lực nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã giúp giảm bớt áp lực tăng giá trên thị trường khí đốt tự nhiên.
Những hạn chế về nguồn cung trên thị trường dầu mỏ có thể gây áp lực tăng giá lên dầu thô, với sản lượng sụt giảm liên quan đến sự cố ngừng đường ống xuất khẩu dầu ở Iraq, cháy rừng ở Canada, các cuộc biểu tình ở Nigeria, bảo trì công trình dầu khí ở Brazil, và việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và thành viên ngoài khối gồm Nga.
GIÁ KIM LOẠI ẢM ĐẠM VÌ TÌNH HÌNH KINH TẾ TRUNG QUỐC
Giá kim loại đồng đã chạm mức thấp nhất trong 6 tháng trong tuần vừa rồi khi các nhà đầu cơ gia tăng các vị thế bán khống. Sự phục hồi trong tiêu dùng nội địa ở Trung Quốc diễn ra chậm hơn dự kiến, càng góp phần làm giảm giá các kim loại công nghiệp trong đó có đồng. Ngành xây dựng chiếm tiêu thụ 23% kim loại ở Trung Quốc trong năm 2022, do đó, tăng trưởng kinh tế suy yếu và thị trường bất động sản của nước này vẫn chìm trong khủng hoảng đã tác động tiêu cực đến nhu cầu đối với thép, nhôm và đồng.
Ngoài ra, nguồn cung kim loại tăng góp phần làm giảm giá kim loại. Các nhà cung cấp lớn nhất như Rio Tinto, Vale và Glencore đều tăng cung hàng ra thị trường. Theo Ngân hàng Thế giới, sự ổn định của giá kim loại vào năm 2023 sẽ phụ thuộc vào sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc.
Nhìn chung, lạm phát tăng vọt trên toàn cầu trong năm ngoái phản ánh sự leo thang của giá năng lượng và lương thực, đặc biệt là sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Sau khi đạt đỉnh vào nửa cuối năm 2022, lạm phát toàn cầu “có thể sẽ giảm dần trong suốt năm 2023 khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, những nút thắt nguồn cung được giải toả và giá hàng hóa giảm xuống. Giá hàng hóa giảm chắc chắn sẽ giúp giảm lạm phát toàn cầu”, ông Kose nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý rằng lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục cao hơn mục tiêu ở hầu hết các nền kinh tế phát triển sang năm 2024. “Điều này có nghĩa là sự giảm giá hàng hóa bỏ bản sẽ chỉ là một trong số những yếu tố mà các ngân hàng trung ương tính đến khi họ căn chỉnh chính sách tiền tệ trong cuộc chiến chống lại áp lực giá cả”, ông nói.