16:06 14/06/2024

Giá hồ tiêu đang tăng “phi mã”

Chương Phượng

Trong bối cảnh sản lượng tiêu toàn cầu giảm, các chuyên gia dự báo hồ tiêu đang ở trong một chu kỳ tăng giá mới, sẽ kéo dài trong 10 năm tới và giá có thể lên tới 350.000 - 400.000 đồng/kg…

Nông dân trồng hồ tiêu vui mừng vì giá hồ tiêu tăng cao.
Nông dân trồng hồ tiêu vui mừng vì giá hồ tiêu tăng cao.

Thị trường hồ tiêu trên thế giới ngày 14/6/2024 biến động trái chiều. Theo đó, giá hạt tiêu đen Lampung tại Indonesia tăng nhẹ 0,06%; lên mức 6.452 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này tăng 0,07%; ở ngưỡng 8.422 USD/tấn.

Giá hồ tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 4.900 USD/tấn; còn hồ tiêu trắng ASTA của quốc gia này vẫn có giá 7.300 USD/tấn. Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 giảm mạnh 3,66%; về mức 8.200 USD/tấn.

GIÁ HỒ TIÊU TĂNG MẠNH

Tại Việt Nam ngày 14/6, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 g/l giao dịch tại mức 7.800 USD/tấn; còn loại 550 g/l giữ ở ngưỡng 8.000 USD/tấn. Trong khi đó, giá hồ tiêu trắng xuất khẩu neo ở mốc 12.000 USD/tấn.

Theo thông tin từ hệ thống khảo sát giá nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở trong nước, thị trường hồ tiêu ngày 14/6 tăng từ 2.000- 6.000 đồng/kg so với ngày 13/6.

Cụ thể, tại Đắk Lắk, thương lái đang thu mua hồ tiêu tại vườn của nông dân với giá 160.000 đ/kg, tăng 2.000 đồng; Đắk Nông giao dịch lên mức 162.000 đ/kg; Gia Lai lên ngưỡng 160.000 đ/kg, tăng 5.000 đồng; Bình Phước ở mức 161.000 đồng/kg, tăng tới 6.000 đồng/kg.

Trong vòng 1 tháng qua, giá hồ tiêu đã tăng thần tốc. Nếu như khoảng giữa tháng 5, giá hồ tiêu ở mức 120.000 đồng/kg thì đến cuối tháng 5 đã lên mức 127.000 – 129.000 đồng/kg và chạm mốc 150.000 đồng/kg vào ngày 5/6.

Như vậy, ngày 14/6 so với thời điểm ngày 31/5, giá hồ tiêu đã tăng thêm khoảng 30.000 đồng/kg và tăng thêm tới 40.000 đồng/kg so với ngày 15/5. Đây được xác lập là đợt tăng giá hồ tiêu mạnh nhất từ trước tới nay. Với đà này, dự báo trong nửa cuối năm nay, hồ tiêu có thể sẽ đạt đến mốc kỷ lục 200.000 đồng/kg.

 

"Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 114.424 tấn hồ tiêu các loại, kim ngạch thu về 493,1 triệu USD, giảm 13,2% về lượng, song kim ngạch xuất khẩu lại tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước".

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA).

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết trong tháng 5/2024, Việt Nam xuất khẩu 31.357 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch đạt 141 triệu USD.

Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu đen trong tháng 5 đạt 4.542 USD/tấn, tăng 229 USD; tiêu trắng đạt 6.106 USD/tấn, tăng 63 USD so với tháng trước.

Tính bình quân 5 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu tiêu đen đạt 4.197 USD/ tấn, tiêu trắng đạt 5.804USD/tấn, tăng lần lượt 754 USD và 849 USD so cùng kỳ năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 30.466 tấn, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu khác cũng tăng mạnh là Đức 103,2%; Ấn Độ 39%; Hà Lan 48,6%; Italy 179%; Nga 49,7%…

Theo đánh giá của VPSA, sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2024 ước giảm 10% so với năm 2023, chỉ còn khoảng 170.000 tấn. Đây là mức thấp nhất 5 năm trở lại đây.

Trên thị trường thế giới, nguồn cung tiêu từ các nước như Brazil, Indonesia, Ấn Độ và thậm chí cả các nước sản xuất nhỏ hơn như Malaysia, Sri Lanka đều đang suy giảm.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết trong bối cảnh sản lượng tiêu toàn cầu giảm đáng kể, lượng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang năm nay ở Việt Nam hầu như không đáng kể, khó đáp ứng được nhu cầu thị trường. Điều này đang đẩy hồ tiêu bước vào một chu kỳ tăng giá mới. Chu kỳ này sẽ kéo dài trong 10 năm tới và giá có thể lên tới 350.000 - 400.000 đồng/kg.

LO NGẠI NẠN “RÚT RUỘT” HỒ TIÊU TRÊN ĐƯỜNG XUẤT KHẨU

Gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như hồ tiêu, cà phê phản ánh có hiện tượng các container hàng xuất khẩu khi đến tay đối tác nhập khẩu bị thiếu hàng và mất hàng.

VPSA đã phát đi cảnh báo về tình trạng một số thành viên của Hiệp hội bị mất một phần khối lượng hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể, 5 thành viên thuộc Hiệp hội nhận được phản ánh của đối tác nhập khẩu thông báo tình trạng thiếu hụt một lượng hồ tiêu và cà phê được phát hiện tại cảng đích so với hợp đồng đã ký kết trước đó.

 

"Các nhà nhập khẩu phát hiện hàng hóa bị thiếu hụt so với số lượng ký hợp đồng thực tế, trong khi khối lượng container bao gồm hàng hóa bên trong được cân tại cảng theo phiếu cân tại cảng đều thể hiện hàng hóa đủ khối lượng tại thời điểm hạ tại cảng".

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA).

Các doanh nghiệp này phản ảnh, phiếu cân container có hàng tại nhà máy và phiếu cân hàng lúc vào cảng là trùng khớp. Các chứng từ liên quan khác cũng được doanh nghiệp cung cấp làm cơ sở để chứng minh hàng hóa được niêm phong và đảm bảo an toàn từ lúc hàng được đóng vào container tại nhà máy cho đến lúc container vào cảng Cát Lái.

Ngay sau khi nhận được công văn từ VPSA về việc thiếu hụt hàng hóa tại cảng Cát Lái, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn Bùi Văn Quỳ đã có văn bản phúc đáp.

Theo Thư phúc đáp của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, hiện nay, các phòng ban chức năng của Tổng Công ty đang làm việc với các đơn vị thẩm quyền và cơ quan chức năng để kiểm chứng thông tin thiếu hụt hàng hóa do phía VPSA cung cấp.

Việc rủi ro mất hàng có thể xảy ra ở nhiều khâu, chưa có căn cứ để khẳng định xảy ra tại cảng. Luồng hàng hóa đi từ kho người bán đến kho người mua, qua các khâu trong chuỗi cung ứng như: vận tải trên biển, đến cảng dỡ hàng, vận tải từ cảng đến kho người nhập khẩu... cần phải kiểm chứng để tránh gây hiểu nhầm cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu của cảng.

“Việc Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đưa thông tin trên website... trước khi có kết luận chính xác từ cơ quan chức năng có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn”, Thư phúc đáp của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn viết.

Trong thư phúc đáp, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đề nghị Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam phối hợp với Tân Cảng Sài Gòn và các đơn vị liên quan xác minh làm rõ vụ việc về việc thiếu hụt hàng hóa, thu hồi thông tin hiện tại trên website của Hiệp hội.