Giá tăng 45%, lãnh đạo công ty muốn “chốt lời” hơn 2 triệu cổ phiếu FPT
Thời hạn thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 21/9 đến 20/10/2023 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, ông Bảo sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại FPT từ 1,13% xuống còn 0,95%, tương đương hơn 12,05 triệu cổ phiếu.
Ông Đỗ Cao Bảo thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ Công ty Cổ phần FPT (mã FPT-HOSE).
Theo đó, ông Đỗ Cao Bảo - thành viên HĐQT và là 1 trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT đăng ký bán 2,25 triệu cổ phiếu FPT với mục đích giải quyết nhu cầu cá nhân.
Thời hạn thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 21/9 đến 20/10/2023 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, ông Bảo sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại FPT từ 1,13% xuống còn 0,95%, tương đương hơn 12,05 triệu cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, từ 21/9 đến 20/10, vợ cùng con gái và con trai ông Bảo đã đăng ký mua vào cổ phiếu FPT nhằm tăng tỷ lệ sở hữu.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Dư – vợ ông Đỗ Cao Bảo đăng ký mua 250.000 cổ phiếu FPT, qua đó tăng khối lượng sở hữu lên 276.220 cổ phiếu - trong đó, bà Đỗ Thị Ngọc Mai và ông Đỗ Bảo Dương cùng đăng ký mua 500.000 cổ phiếu FPT. Nếu thành công, bà Đỗ Thị Ngọc Mai nâng tỷ lệ sở hữu lên 909.519 cổ phiếu, chiếm 0,07% còn ông Đỗ Bảo Dương sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ lên 0,06% tương ứng 817.400 cổ phiếu.
Trên thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 18/9, giá cổ phiếu giảm 0,62% còn 96.900 đồng/cp, tăng gần 45% từ đầu năm và tăng gấp 6,3 lần so với thời điểm mới lên sàn.
Mới đây, Tập đoàn FPT cho biết, doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 8 tháng năm 2023 đạt 32.827 tỷ đồng và 5.902 tỷ đồng, tăng 21,3% và 19,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 4.086 tỷ đồng và 3.227 đồng, tăng 19,9% và 19,2% so với cùng kỳ.
Mảng dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng đạt mức doanh thu 15.292 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 30,4%, dẫn đầu bởi sức tăng đến từ thị trường Nhật Bản (tăng 41,3%) và APAC (tăng 36,6%). Thị trường Nhật Bản chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu theo đồng yên đạt 55%, thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin lớn tại thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt mức 19.102 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 25,5%.
Mảng Dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ghi nhận doanh thu 4.150 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 6,4%. FPT tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với khối chính phủ, bộ ban ngành và các doanh nghiệp nước ngoài để duy trì mức tăng trưởng.
Năm 2023, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 18,8% và lợi nhuận tăng 18,2% tương đương 52.890 tỷ đồng và 9.055 tỷ đồng.