15:40 06/05/2019

Giá thịt lợn tăng trở lại sau khi dịch tả lợn châu Phi “hạ nhiệt”

Duyên Duyên

Nguyên nhân là do thời gian trước đó người chăn nuôi đã bán tháo lợn để tránh sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi

Dự báo, một số doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng nhập khẩu thịt lợn nên thị trường sẽ khó xảy ra biến động mạnh về giá.
Dự báo, một số doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng nhập khẩu thịt lợn nên thị trường sẽ khó xảy ra biến động mạnh về giá.

Mặc dù có xu hướng tăng tuy nhiên cơ quan quản lý cho rằng, thị trường lợn hơi không lo khan hàng, sốt giá trong thời gian tới do nguồn lợn tại các công ty lớn vẫn khá dồi dào.

Báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 4/2019, giá lợn hơi có xu hướng tăng trở lại. Nguyên nhân chủ yếu là sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi (ASF) thời gian qua khiến người chăn nuôi bán tháo trước đó để tránh nhiễm virus nhưng sau đó không dám tái đàn và nhu cầu từ phía người tiêu dùng đã tăng trở lại.

So với cuối tháng 3/2019, giá lợn tại nhiều tỉnh, thành tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg lên phổ biến trong khoảng 39.000 - 49.000 đồng/kg. 

Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 4/2019, giá thịt lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động từ 31.000 - 41.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 3/2019. 

Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên phổ biến từ 35.000 - 44.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 6.000 đồng/kg. 

Giá lợn hơi thương lái thu mua tại các khu vực chăn nuôi trọng điểm phía Nam hiện trung bình từ 40.000 - 48.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 3/2019. 

Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, thị trường tiêu thụ lợn đang hồi phục tốt và gần trở lại mức trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù có xu hướng tăng giá nhưng thị trường lợn hơi không lo khan hàng, sốt giá trong thời gian tới vì nguồn lợn tồn tại các công ty lớn vẫn khá dồi dào. 

Đây cũng là nguyên nhân khiến các công ty chăn nuôi đang hạ giá thịt lợn để đẩy hàng ra thị trường. Mặt khác, một số doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng nhập khẩu thịt lợn nên thị trường sẽ khó xảy ra biến động mạnh về giá. 

Trong khi đó, tại thị trường thế giới, giá lợn nạc giao kỳ hạn tháng 5/2019 tại Chicago, Hoa Kỳ tăng. Ngày 25/4/2019, giá lợn nạc giao kỳ hạn tháng 5/2019 giao dịch ở mức 87,8 UScent/lb, tăng 8,2 UScent/lb so với cuối tháng 3/2019 (tương đương tăng 10,3%) và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2018. 

Tại Trung Quốc, giá lợn hơi đã tăng hơn 3 Nhân dân tệ/kg so với cuối tháng 3/2019, hiện dao động trong ngưỡng 14-18 Nhân dân tệ/kg (tương đương 48.409 - 62.241 đồng/kg). 

Theo báo cáo tháng 4/2019 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng thịt lợn toàn cầu dự báo sẽ giảm khoảng 4% trong năm 2019, còn gần 108,5 triệu tấn do sản lượng giảm mạnh ở Trung Quốc. 

Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã dẫn đến việc tiêu hủy hàng triệu con lợn tại nước này. Trong khi đó, tại các quốc gia khác, sản xuất thịt lợn lại đang tăng trưởng khá tốt, dẫn đầu là Hoa Kỳ với mức tăng đạt khoảng 4% và Brazil là 6%. 

Sản lượng thịt lợn của EU trong năm 2019 sẽ giảm rất nhẹ so với năm 2018 do giá lợn hơi giảm và chi phí thức ăn cao hơn. Nếu năm 2018 là 24,3 triệu tấn thì năm 2019 dự báo là 24,2 triệu tấn. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu có xu hướng cải thiện có thể khuyến khích các nhà sản xuất mở rộng đàn vào cuối năm 2019. 

Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu được dự báo sẽ cao hơn khoảng 8% trong năm 2019 do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế ổn định ở hầu hết các thị trường thịt lợn lớn. 

Liên minh châu Âu (EU) sẽ vẫn là khu vực xuất khẩu hàng đầu thế giới, với khối lượng ước đạt 3,25 triệu tấn trong năm 2019, tăng 11% so với năm 2018. Hoa Kỳ, Canada và Braxin cũng được dự báo lượng xuất khẩu cũng sẽ cao hơn năm trước.

Với nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới, với mức nhập khẩu năm 2019 được dự báo tăng 41% so với năm 2018 do tác động từ sự suy giảm đàn lợn nội địa do dịch ASF gây ra.