Giá ure tăng, lợi nhuận doanh nghiệp phân bón có tương xứng?
Dự báo giá urê Trung Đông trung bình đạt 384 USD/tấn trong quý 4 tăng 5% so với quý 3/2023. Tuy nhiên, giá khí đầu vào cao khiến Vietcap điều chỉnh dự phóng lợi nhuận doanh nghiệp ngành phân bón...
Chứng khoán Vietcap vừa có báo cáo triển vọng ngành phân bón trong đó tăng dự báo giá urê Trung Đông trung bình trong năm 2023 từ 350 USD/tấn lên 360 USD/tấn. Giá hợp đồng tương lai phân urê Trung Đông đã phục hồi lên ~380 USD/tấn vào giữa tháng 11 từ mức đáy ~260 USD/tấn vào cuối tháng 6. Dự báo giá urê Trung Đông trung bình đạt 384 USD/tấn trong quý 4 tăng 5% so với quý 3/2023.
Động lực cho giá urê quốc tế quý 4/2023 cao hơn so với quý 3 có thể là do các hạn chế xuất khẩu urê của Trung Quốc được công bố vào tháng 9 và việc Nga gia hạn việc áp dụng hạn ngạch xuất khẩu phân đạm cho đến cuối năm 2024. Những tác động tích cực của việc chấm dứt Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7/2023 đối với giá urê đã giảm dần kể từ tháng 8.
Đồng thời, nâng dự báo giá urê Trung Đông trung bình trong năm 2024 từ 350 USD/tấn lên 370 USD/tấn (+3% YoY). Các hạn chế xuất khẩu urê của Trung Quốc để ổn định thị trường urê Trung Quốc và sản lượng xuất khẩu urê từ châu Âu có thể sẽ thấp hơn dựa trên dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế về giá khí ở châu Âu tăng so với cùng kỳ năm trước sẽ hỗ trợ giá urê vào năm 2024, bù đắp cho sản lượng xuất khẩu urê từ Nga tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, dự báo về giá urê Trung Đông trung bình trong giai đoạn 2025/2026-2027 lần lượt đạt 350/330 USD/tấn và dự báo giá urê trung bình trong năm 2028 đạt 330 USD/tấn do kỳ vọng giá sẽ quay về mức bình thường sau những gián đoạn từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu.
Tương ứng với điều chỉnh dự báo giá urê Trung Đông, Vietcap tăng dự báo giá urê năm 2024 của DPM/DCM thêm 6%, trong khi vẫn giữ nguyên dự báo cho giai đoạn 2025-2027.
Với cổ phiếu, Vietcap giảm giá mục tiêu cho DCM thêm 4% còn 33.800 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị khả quan. Giá mục tiêu thấp hơn đến từ việc giảm dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2027 thêm 5% do giá khí đầu vào cao hơn lấn át dự báo giá urê cao hơn, ảnh hưởng đến tác động tích cực của việc cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2024.
Dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của DCM sẽ tăng 70% vào năm 2024, nhờ giá bán urê trung bình tăng 6% và chi phí khấu hao giảm mạnh. Cổ tức tiền mặt giai đoạn 2023-2025 đạt 2.000-3.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất 6%-10%). DCM đang giao dịch với EV/EBITDA dự phóng năm 2024 là 4,2 lần – 24% thấp hơn so với EV/EBITDA trung bình 3 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực (5,5 lần).
Với DPM, Vietcap giảm giá mục tiêu cho DPM thêm 9% còn 31.500 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường. Giá mục tiêu thấp hơnđến từ việc giảm dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 thêm 14% do giá khí đầu vào cao hơn lấn át dự báo giá urê cao hơn, ảnh hưởng đến tác động tích cực của việc cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2024.
Dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS của DPM sẽ tăng 20% vào năm 2024, chủ yếu nhờ giá bán urê trung bình cao hơn 5% và kỳ vọng về sự phục hồi của mảng NPK & NH3. Dự báo cổ tức tiền mặt của DPM đạt 2.000-3.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất 6%-9%) trong 3 năm tới. Tuy nhiên, định giá của DPM có vẻ hợp lý với EV/EBITDA dự phóng năm 2024 là 5,1 lần so với EV/EBITDA trung bình 3 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực là 5,5 lần.
Với giá cổ phiếu hiện tại, Vietcap đánh giá cao DCM hơn DPM. Ngoài giá bán urê trung bình cao hơn của DCM, nhà máy urê trẻ hơn và hiệu quả hơn, giá khí đầu vào thấp hơn, mảng NPK có lợi nhuận và chi phí SG&A thấp hơn, DCM đang giao dịch ở mức EV/EBITDA dự phóng năm 2024 thấp hơn so với DPM và có vị thế tiền mặt ròng cao hơn tính đến cuối quý 3/2023.