10:35 05/04/2022

Giá vàng giằng co vì loạt yếu tố trái chiều

Điệp Vũ

Nhà đầu tư đang chờ biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed, dự kiến công bố vào ngày thứ Tư, để tìm kiếm những dấu hiệu về việc Fed có thể nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới hay không...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới giằng co giữa giảm và tăng, khi nhu cầu phòng ngừa rủi ro liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine và lạm phát leo thang là những nhân tố hỗ trợ, trong khi đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lại gây áp lực giảm.

Giá vàng miếng trong nước sáng nay (5/4) tăng, nhưng chưa tái lập được mốc 69 triệu đồng/lượng.

Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,85 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,6 triệu đồng/lượng và 55,45 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 100.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,25 triệu đồng/lượng và 68,9 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 150.000 đồng/lượng và 100.000 đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn khoảng 15,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tăng đêm qua nhưng lại giảm sáng nay.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.929,5 USD/oz, giảm 4,7 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Hai tại Mỹ. Mức giá này tương đương khoảng 53,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Trong phiên New York đêm qua, giá vàng giao ngay tăng 7,6 USD/oz, tương đương tăng gần 0,4%, chốt ở 1.934,2 USD/oz.

Tình hình chiến tranh Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu xuống thang khiến giới đầu tư toàn cầu tiếp tục có nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro. Giá năng lượng cao do mối lo gián đoạn nguồn cung từ Nga cũng đặt ra nguy cơ lạm phát tiếp tục leo thang và tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm – tất cả đều là những nhân tố có lợi cho giá vàng.

Chiến lược gia cấp cao Daniel Pavilonis của RJO Futures nói rằng lạm phát rất có thể sẽ lên mức cao hơn do tắc nghẽn chuỗi cung ứng vì Covid ở Trung Quốc và do chiến tranh ở Ukraine. Điều này là một chỉ báo tốt cho giá vàng, ông Pavilonis nhấn mạnh.

Theo hãng tin CNBC, số dân thường thiệt mạng trong cuộc chiến tranh ở Ukraine gia tăng đang gây sức ép đối với các nước châu Âu về áp các biện pháp trừng phạt lên ngành năng lượng của Nga. Khả năng Nga bị siết trừng phạt dẫn tới đánh giá rằng nguồn cung năng lượng có thể trở nên thắt chặt hơn. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng Nga sẽ phải “cảm nhận hậu quả” và các đồng minh phương Tây có thể nhất trí gia tăng trừng phạt đối với Moscow sau vài ngày nữa. Tuy nhiên, chi tiết về kế hoạch chưa được công bố.

“Nhu cầu phòng ngừa rủi ro có thể giảm đi nếu đàm phán Nga-Ukraine thành công, nhưng lạm phát vẫn đang ở mức cao và có thể tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng”, một báo cáo của Heraeus Precious Metal viết.

Tuy nhiên, đồng USD tăng giá lên mức cao nhất trong 1 tuần, cộng thêm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi lên, đang gây áp lực giảm lên giá vàng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay dao động quanh ngưỡng 99 điểm, từ mức 98,6 điểm vào sáng hôm qua.

Ngoài ra, vàng cũng kém hấp dẫn phần nào khi chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên đầu tuần, khi nhà đầu tư lao vào bắt đáy cổ phiếu công nghệ.

Nhà đầu tư đang chờ biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed, dự kiến công bố vào ngày thứ Tư, để tìm kiếm những dấu hiệu về việc Fed có thể nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới hay không.