10:48 23/02/2022

Giá vàng thế giới giằng co mốc 1.900 USD/oz, trong nước tăng 100.000 đồng/lượng

Điệp Vũ

Căng thẳng giữa Nga với phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng phòng ngừa rủi ro...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá vàng thế giới giằng co quanh mốc 1.900 USD/oz, khi bị chi phối bởi căng thẳng Nga-Ukraine và triển vọng chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá vàng miếng trong nước sáng nay (23/2) tăng thêm 50.000-100.000 đồng/lượng.

Lúc hơn 10h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 63,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,67 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng tại doanh nghiệp này hiện tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,05 triệu đồng/lượng và 54,75 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 63,15 triệu đồng/lượng và 63,75 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ sáng nay cao hơn 11,1 triệu đồng/lượng, so với mức chênh 10,8-10,9 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.900,5 USD/oz, tăng 1 USD/oz so với đóng cửa phiên trước tại Mỹ. Mức giá này tương đương 52,6 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Trong phiên ngày thứ Ba tại New York, giá vàng giao ngay giảm 4,7 USD/oz, tương đương giảm 0,3%, chốt ở 1.899,5 USD/oz.

Trong phiên ngày thứ Ba, giá vàng giao ngay có lúc đạt cao nhất 9 tháng, tức là từ tháng 6/2021, ở mức 1.913,89 USD/oz. Tuy nhiên, giá vàng không duy trì được mức đỉnh này và chuyển sang trạng thái giằng co quanh mốc 1.900 USD/oz.

Căng thẳng giữa Nga với phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng phòng ngừa rủi ro.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/2 công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh đưa quân vào hai vùng ly khai của Ukraine. Phương Tây cũng cảnh báo sẽ trừng phạt khác nghiệt hơn nếu Moscow mở một cuộc tấn công toàn diện vào nước láng giềng này.

“Không có gì đáng ngạc nhiên khi giá vàng được hỗ trợ tốt trong môi trường hiện nay, bởi vàng có vai trò kênh đầu tư an toàn”, Giám đốc giao dịch kim loại quý David Meger thuộc High Ridge Futures phát biểu.

Nhưng theo ông Meger, áp lực lạm phát mới là động lực tăng giá chính của vàng trong mấy tuần trở lại đây, khi vàng phát huy vai trò kênh đầu tư lưu trữ giá trị khi tiền giấy mất giá.

Tuy nhiên, vàng cũng đang đương đầu với áp lực mất giá khi Fed tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo dữ liệu từ FedWatch Tool, giới đầu tư ở Phố Wall đang đặt cược khả năng 100% Fed nâng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 3. Câu hỏi lớn nhất lúc này không phải là Fed có tăng lãi suất trong tháng 3 hay không mà là tăng bao nhiêu, 0,25 hay 0,5 điểm phần trăm.

Ngoài ra, việc vàng giảm giá phiên này còn do hoạt động chốt lời của một số nhà đầu tư. Nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank nói rằng “đến thời điểm này, rủi ro đã được phản ánh nhiều vào giá vàng”.

Đồng USD trên thị trường quốc tế sáng nay giảm giá, với chỉ số Dollar Index giảm dưới mức 96,1 điểm, từ mức 96,2 điểm vào sáng hôm qua.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.460 đồng (mua vào) và 23.510 đồng (bán ra), giảm 10 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.

Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.680 đồng và 22.960 đồng, tăng 20 đồng so với hôm qua.