Giá vàng thế giới tiếp tục tăng dữ dội trước đợt leo thang thuế quan mới của ông Trump
Ngày thứ Tư (2/4), ông Trump dự kiến sẽ công bố thuế quan có đi có lại, hay còn gọi là thuế đối ứng, áp lên tất cả các đối tác thương mại của Mỹ. “Thuế quan sẽ tiếp tục thúc đẩy giá vàng lên cao hơn cho tới khi cuộc chiến ăn miếng trả miếng này kết thúc”, một chuyên gia nhận định...

Nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư toàn cầu đang tăng cao trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị có đợt áp thuế quan mới vào giữa tuần này.
Lúc gần 14h chiều nay (31/3) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 29,8 USD/oz so với đóng cửa tuần trước tại thị trường New York, tương đương tăng gần 1%, giao dịch ở mức 3.115,6 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Trước đó, giá vàng có lúc đạt gần 3.125 USD/oz, cao chưa từng thấy chưa lịch sử.
Dù chưa đến giờ giao dịch tại Mỹ, giá vàng đã tăng dữ dội, cho thấy hoạt động mua đang diễn ra mạnh mẽ. Xu thế bán tháo của các thị trường chứng khoán chủ chốt ở châu Á trong phiên đầu tuần khiến nhu cầu mua vàng càng thêm mạnh.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm hơn 4%, rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh, còn ASX 200 của Australia giảm hơn 1,7%. Chỉ số HSI của chứng khoán Hồng Kông mất gần 1,4% điểm số, và Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc tụt 0,5% - theo dữ liệu từ hãng tin CNBC.
Giá vàng thế giới mới vượt mốc 3.000 USD/oz lần đầu tiên trong lịch sử vào giữa tháng 3 này, và đã vượt thêm một mốc chủ chốt nữa là 3.100 USD/oz chỉ sau khoảng 2 tuần. Yếu tố “tiếp lửa” trực tiếp cho cơn sốt giá vàng này là chính sách thuế quan khó lường của ông Trump và tác động tiềm ẩn từ những chính sách đó. Sự bấp bênh gia tăng trong nền kinh tế và trên thị trường tài chính toàn cầu thúc đẩy nhà đầu tư chuyển mạnh tiền sang vàng để tìm kiếm sự an toàn.
Năm nay, giá vàng thế giới đã lập kỷ lục 17 lần và tăng hơn 18%.
“Sức hấp dẫn của vàng với tư cách một vịnh tránh bão và kênh đầu tư chống lạm phát đã tăng mạnh trong bối cảnh rủi ro địa chính trị và bấp bênh thuế quan gia tăng. Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng giữa xung đột thương mại và bấp bênh kinh té toàn cầu”, hãng tin Reuters dẫn một báo cáo của ngân hàng OCBC.
Từ khi lên cầm quyền, ông Trump đã đưa ra một loạt biện pháp thuế quan nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất trong nước ở Mỹ, giảm thâm hụt thương mại, và gây sức ép đói một số đối tác thương mại trong vấn đề quản lý người nhập cư và chất cấm fentanyl. Ông đã áp thuế quan bổ sung 20% lên hàng hóa Trung Quốc, 25% lên thép và nhôm, và 25% lên ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu.
Ngày thứ Tư (2/4), ông Trump dự kiến sẽ công bố thuế quan có đi có lại, hay còn gọi là thuế đối ứng, áp lên tất cả các đối tác thương mại của Mỹ.
“Thuế quan sẽ tiếp tục thúc đẩy giá vàng lên cao hơn cho tới khi cuộc chiến ăn miếng trả miếng này kết thúc”, chuyên gia Edward Meir của ngân hàng đầu tư Marex nhận định với Reuters.
Ngoài ra, trong dài hạn, giá vàng còn được hỗ trợ bởi nhu cầu mua vàng của các ngân trung ương và các quỹ ETF.
Trao đổi với trang MarketWatch, Giám đốc nghiên cứu Adrian Ash của công ty BullionVault nhận xét: “Sự hỗn loạn đang tạo ra một bối cảnh hoàn hảo cho giá vàng lập kỷ lục mới. Kim loại quý này tỏa sáng nhờ các yếu tố bất ổn địa chính trị, đình lạm kinh tế và thị trường chứng khoán sụt giảm. Ông Trump mang lại cả 3 yếu tố này”.
Trao đổi với trang Kitco News, Giám đốc đầu tư Naeem Aslam của công ty Zaye Capital Markets cho rằng dư địa tăng giá của vàng vẫn còn dù giá đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
“Phần lớn các thông tin bất lợi đối với giá vàng đã được phản ánh vào giá và không còn nhiều dư địa cho một đợt giảm giá vàng tiếp theo. Chiến tranh thương mại vẫn chưa kết thúc, điều đó có nghĩa là còn rất nhiều sự kiện khó đoán. Bởi vậy, sau khi mỗi đợt thoái lui, giá vàng có thể tiếp tục tăng cao hơn”, ông Aslam nói.