07:42 04/10/2012

Giá xăng, dầu thế giới đồng loạt lao dốc

Diệp Anh

Chốt phiên 3/10, giá dầu thô thế giới giảm tới 4,1%, trong khi giá xăng trượt 2,4% xuống các mức thấp nhất trong nhiều tuần

Nhà đầu tư lo lắng về khả năng tiêu thụ, bất chấp báo cáo lạc quan về lượng dự trữ hàng tuần của cơ quan quản lý.
Nhà đầu tư lo lắng về khả năng tiêu thụ, bất chấp báo cáo lạc quan về lượng dự trữ hàng tuần của cơ quan quản lý.
Phiên giao dịch đêm qua (3/10), giá năng lượng giao sau trên thị trường thế giới đồng loạt rớt mạnh, do nhà đầu tư lo lắng về khả năng tiêu thụ, bất chấp báo cáo lạc quan về lượng dự trữ hàng tuần của cơ quan quản lý.

Đầu phiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố số liệu cho biết, trong tuần kết thúc ngày 28/9 vừa qua, lượng dự trữ dầu thô giảm 500.000 thùng, ngược với dự báo tăng 1,5 triệu thùng của giới phân tích. Tuy nhiên, sản lượng dầu đã tăng 12% so với năm ngoái và cao nhất kể từ năm 1996.

Cũng theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố trong ngày, lượng cung xăng trong tuần qua tăng 100.000 thùng, trong khi các chế phẩm khác từ dầu giảm 3,7 triệu thùng. Trong khi, theo dự báo của các chuyên gia, cung xăng không đổi, còn các chế phẩm khác giảm 400.000 thùng.

Việc sản lượng dầu tăng mạnh đã xóa nhòa báo cáo tích cực của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, đẩy giá dầu thô thế giới rớt mạnh xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8 tới nay. Việc giá dầu rớt xuống dưới 90 USD/thùng ngay đầu phiên đã châm ngòi cho một làn sóng bán tháo trên thị trường.

Chốt phiên giao dịch 3/10, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 giảm tới 3,75 USD, tương ứng 4,1%, xuống còn 88,14 USD/thùng trên sàn New York. Đây là mức giảm % theo ngày lớn nhất của dầu thô kỳ hạn kể từ tháng 12 năm ngoái cho tới nay.

Tương tự, giá khí tự nhiên giao tháng 11 giảm tới 14 cent, tương ứng 3,9%, xuống còn 3,40 USD/ triệu BTU. Giá dầu sưởi giao tháng 11 giảm 6 cent, tương ứng 1,9%, xuống mức 3,07 USD/gallon. Giá xăng giao cùng kỳ hạn hạ 7 cent, tương ứng 2,4%, còn 2,8 USD/gallon, thấp nhất kể từ ngày 25/7.

Ngoài vấn đề sản lượng dầu, thị trường đêm qua còn chịu tác động bởi số liệu dịch vụ yếu kém tại Trung Quốc. Nhiều chuyên gia phân tích cũng cho rằng, mức giảm mạnh của giá dầu đêm qua chủ yếu phản ánh những lo lắng về lượng tiêu thụ của thị trường Trung Quốc, hơn là vì sản lượng dầu tại Mỹ.

Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá trở lại lên ngưỡng 79,953 điểm cũng góp phần gây áp lực lên giá các loại hàng hóa tính bằng loại tiền tệ này, trong đó có dầu thô.

Những thông tin về tình hình Trung Đông, đặc biệt là Iran, vẫn có ảnh hưởng phần nào tới giá trị giao dịch dầu thô quốc tế, nhưng chịu tác động lớn hơn cả là dầu Brent. Giá dầu Brent giao tháng 11 giảm 3,4 USD xuống 108,17 USD/thùng. Đây là mức chốt thấp nhất của dầu thô kỳ hạn loại này kể từ 2/8.