12:49 15/06/2022

Giải "bài toán" quá tải, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc xây mới loạt hạng mục

Ánh Tuyết

Để mở rộng công suất hoạt động, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc dự kiến sẽ xây dựng mới nhà ga hành khách T2 công suất 8 triệu khách, nhà ga hàng hóa 3.100 m2 và một đường cất hạ cánh...

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ định hướng có thể đáp ứng khai thác đến 45-50 triệu hành khách/năm.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ định hướng có thể đáp ứng khai thác đến 45-50 triệu hành khách/năm.

Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo báo cáo giữa kỳ điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc tại xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

HẠ TẦNG QUÁ TẢI, SẢN LƯỢNG HÀNH KHÁCH VƯỢT QUY HOẠCH TỪ NĂM 2019

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là cửa ngõ thông thương của kinh tế quốc tế của đảo ngọc Phú Quốc và khu vực biên giới biển đảo phía Nam.

Để đạt được mục tiêu xây dựng Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch, dịch vụ có chất lượng cao, đồng thời là trung tâm giao thương với các vùng trong nước, khu vực và quốc tế theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Phú Quốc phải xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, trước hết là sân bay quốc tế.

Được xây dựng mới từ năm 2008, đến năm 2012, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được đưa vào khai thác đồng bộ các công trình khu bay và khu hàng không dân dụng, đáp ứng nhu cầu khai thác 2,65 triệu hành khách/năm.

Đến năm 2017-2018, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường lăn, mở rộng sân đỗ máy bay, mở rộng nhà ga hành khách, đảm bảo khai thác 4 triệu hành khách/năm.

Được biết, theo quy hoạch được duyệt theo Quyết định số 1608/QĐ-TTg ngày 10/11/2008, giai đoạn đến năm 2020, lượng hành khách qua cảng đạt 2,65 triệu hành khách/năm, định hướng đến năm 2030 tiếp nhận đạt 7 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên, thực tế khai thác năm 2019, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đón 3,7 triệu lượt khách thông qua cảng, điều này ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của cảng, vượt xa so với các chỉ tiêu công suất quy hoạch được duyệt.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của đơn vị tư vấn là Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC, do mật độ khai thác của cảng hàng không tăng nhanh, cùng với việc khai thác một số loại máy bay tải trọng lớn như B777, B787... dẫn đến mức độ hư hỏng mặt đường bê tông nhựa khu vực đường cất hạ cánh.

Do đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) hàng năm phải duy tu sửa chữa để đảm bảo an toàn khai thác. Hiện ACV cũng đang thực hiện thẩm định, phê duyệt dự án “Mở rộng sân đỗ máy bay về phía Tây – Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc", dự kiến triển khai đầu tư xây dựng trong năm 2022-2023.

 

Tính đến hết năm 2019, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc tiếp nhận khoảng 3,7 triệu hành khách/năm; vượt quá công suất dự báo của cảng năm 2020 (2,65 triệu hành khách/năm). Dù ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid 19 khiến sản lượng hành khách sụt giảm, tuy nhiên, theo nhận định của một số nghiên cứu và dự báo của các tổ chức quốc tế, đến năm 2023-2024, sản lượng hành khách hàng không sẽ khôi phục lại thời điểm 2019.

Cũng theo đơn vị tư vấn, phải nhanh chóng xây dựng thêm đường cất hạ cánh số 2 cho Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

Phân tích lý do phải xây dựng thêm một đường cất hạ cánh, đơn vị tư vấn cho rằng, để đáp ứng yêu cầu cảng hàng không phải được khai thác liên tục, không được phép đóng cửa mà vẫn phải sửa chữa các hư hỏng trên đường cất hạ cánh, nhà chức trách hàng không triển khai duy tu sửa chữa các hư hỏng cục bộ trên đường cất hạ cánh. Việc duy tu sửa chữa được thực hiện vào ban đêm.

Tuy nhiên, việc duy tu sửa chữa những hư hỏng cục bộ chỉ giải quyết được yêu cầu trước mắt, không đáp ứng được yêu cầu cơ bản lâu dài để Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hoạt động an toàn và hiệu quả, đáp ứng năng lực phục vụ lượng hành khách ngày càng tăng trưởng rất nhanh.

Trong giai đoạn trước mắt, khi đường cất hạ cánh số 2 được đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện để sửa chữa, nâng cấp đường cất hạ cánh số 1 và vẫn duy trì sự khai thác liên tục của cảng.

Bên cạnh đó, theo lập luận của đơn vị tư vấn, tất cả các Cảng hàng không lớn của Việt Nam như Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh... đều có 2 đường cất hạ cánh.

"Hai đường cất hạ cánh này sẽ đảm bảo cho hoạt động của cảng hàng không được hiệu quả và an toàn hơn rất nhiều. Đặc biệt là trong trường hợp có một đường cất hạ cánh bị hư hỏng hoặc vì một lý do nào đó như máy bay bị hỏng động cơ, sự cố an ninh hàng không trên khu bay..., bắt buộc phải đóng cửa một đường cất hạ cánh thì đường cất hạ cánh còn lại sẽ được khai thác chính", đơn vị tư vấn lý giải.

Mặt khác, liên quan đến nhà ga hàng hóa, hiện Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đang khai thác nhà ga hàng hoá tạm phía bên cạnh nhà ga hành khách hiện hữu. Theo số liệu thống kê năm 2019 sản lượng hàng hóa thông qua cảng là 8.738 tấn hàng hóa.

Do đó, trong thời kỳ quy hoạch cần quy hoạch xây dựng nhà ga hàng hóa để đảm bảo nhu cầu khai thác hàng hóa thông qua cảng.

CÔNG SUẤT CÓ THỂ ĐẠT 50 TRIỆU HÀNH KHÁCH/NĂM, GẤP HƠN 10 LẦN TRƯỚC DỊCH

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nói riêng, nhu cầu kết nối đảo Phú Quốc với các thành phố lớn trong nước cũng như trong khu vực châu Á, các cơ quan chuyên môn cho rằng, việc triển khai sớm đề án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, đảm bảo đồng bộ với các nội dung trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đang triển khai.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo tờ trình cuối năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đến năm 2030 có quy mô đạt cấp 4E; công suất thiết kế dự kiến 10 triệu hành khách/năm; dự kiến sử dụng 915,56 ha đất. Ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch là 9.595 tỷ đồng.

Còn định hướng đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đạt công suất 18 triệu hành khách/năm; ước tính chi phí đầu tư là 14.260 tỷ đồng.

 

Tầm nhìn sau năm 2050, TP. Phú Quốc được định hướng trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc, một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao; trung tâm thương mại dịch vụ ở tầm cỡ khu vực và quốc tế..., do đó, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ định hướng có thể đáp ứng khai thác đến 45-50 triệu hành khách/năm, tương đương nhu cầu vận chuyển của một trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch và chính trị lớn như Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Trên cơ sở phân tích nêu trên, đơn vị tư vấn cho rằng cần phải quy hoạch xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh mới tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

Quy hoạch đường cất hạ cánh số 2, phía Bắc cách đường cất hạ cánh hiện hữu 360m, kích thước 3000x45m. Ngưỡng đường cất hạ cánh số 2 trùng với ngưỡng đường cất hạ cánh hiện hữu;

Sau khi xây dựng mới đường cất hạ cánh số 2 cần cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh hiện hữu, kéo dài đường cất hạ cánh 300m về phía đầu 28 để đảm bảo phục vụ cất cánh cho các dòng tàu bay code E.

Với cấu hình hai đường cất hạ cánh nêu trên công suất đảm bảo khai thác 48 lần cất hạ cánh/giờ, tương đương khoảng 45-50 triệu hành khách/năm.

Theo số liệu dự báo giai đoạn đến năm 2030 nhu cầu khai thác là 10 triệu
hành khách/năm. Để đảm bảo khai thác, sẽ giữ nguyên sân đỗ hiện hữu, mở rộng phát triển sân đỗ về phía Tây và phía Bắc, đáp ứng 30 vị trí đỗ.

Do đó, theo đề xuất, đến năm 2030 sẽ giữ nguyên nhà ga T1 hiện hữu, xây dựng mới nhà ga hành khách T2 công suất 8 triệu hành khách/năm phía Tây nhà ga hành khách hiện hữu, đảm bảo nâng công suất khai thác toàn cảng lên 12 triệu hành khách/năm. Đồng thời, xây mới nhà ga hàng hoá diện tích 3.100 m2 tại vị trí phía Tây nhà ga hành khách T2, phục vụ cho các chuyến bay chờ khách kết hợp chở hàng hóa.

Mặt bằng quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn định hướng đến năm 2050.
Mặt bằng quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn định hướng đến năm 2050.

Đến năm 2050 nhu cầu khai thác là 18 triệu hành khách/năm, do đó quy hoạch mở rộng phát triển sân đỗ về phía Đông và phía Tây, đỗ được 50 tàu bay.

Do đó,  xây dựng mới nhà ga hành khách T3.1 công suất 10 triệu hành khách/năm phía Đông nhà ga hành khách hiện hữu, đảm bảo nâng công suất khai thác toàn cảng lên 22 triệu hành khách/năm. Cùng với đó,  bổ
sung nhà ga hàng hóa khu vực phía Bắc cảng để phục vụ cho các chuyến bay chở hàng hóa.