18:48 25/10/2021

Giải pháp nào cho 1,5 triệu con lợn quá lứa đang ứ đọng?

Chu Khôi

Do giá bán thấp, lượng tiêu thụ giảm, người chăn nuôi phải nuôi giữ vật nuôi lại trong chuồng, khiến đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán được hiện còn 1,5 triệu con, bằng khoảng 30% so với số lượng lợn đang đến kỳ xuất bán…

Chu kỳ chăn nuôi lợn dài ngày, nên khó phản ứng kịp với biến động  thị trường.
Chu kỳ chăn nuôi lợn dài ngày, nên khó phản ứng kịp với biến động thị trường.

Tại hội nghị trực tuyến “Triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi”, chiều 25/10, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết hiện đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020. Ước tính 9 tháng 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3,060 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

GIÁ LỢN HƠI TĂNG, NHƯNG CHƯA BẰNG GIÁ THÀNH

Theo ông Trọng, giá thịt lợn xuất chuồng năm 2021 cao nhất 75.000 đồng/kg. Những tháng vừa qua, do giãn cách xã hội khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, lợn thịt quá tuổi xuất chuồng ứ đọng khoảng 30% (khoảng 1,5 triệu con khối lượng trên 120-160 kg/con).

 

"Lượng gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ đều giảm so với thời điểm trước dịch Covid-19 là 27,7% đối với lợn, 49,8% đối với gà. Nguyên nhân chính là do việc đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống, xét nghiệm Covid-19 khó khăn, thiếu lao động do có F0 và F1".

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

“Thông thường lợn hơi xuất chuồng ở trọng lượng trên dưới 100 kg, nhưng nếu nuôi giai đoạn trên 120 kg thì tăng trọng lúc này chủ yếu là mỡ, nên khối lượng lợn càng lớn thì giá lợn hơi xuất chuồng càng thấp. Chu kỳ sản xuất của lợn rất dài, nên khi thị trường thay đổi bất thường thì sản xuất không thể thay đổi kịp trong thời gian ngắn”, ông Trọng nói.

Do lợn quá lứa ứ đọng nhiều, khiến giá bán thịt lợn hơi xuất chuồng xuống tới mức 30-35 ngàn đồng/kg vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Tuy nhiên, trong một tuần trở lại đây, giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng trở lại và đang tăng rất nhanh.

"Giá lợn hơi ngày 25/10 ở Công ty C.P tăng lên 45.000 đồng/kg, một số tỉnh đã tăng 46.000 - 49.000 đồng/kg", ông Trọng thông tin, đồng thời dự báo giá thịt heo hơi và gà xuất chuồng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong 2 tuần tới.

Tuy vậy, giá thành sản xuất theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt khoảng 45.000-50.000 đồng/kg; chăn nuôi phải mua con giống giá thành từ 50.000-55.000 đồng/kg. "Hiện giá lợn hơi đã tăng, nhưng mới bằng giá thành sản xuất tại các doanh nghiệp lớn chăn nuôi bài bản, còn với nông dân chăn nuôi thì hiện vẫn còn lỗ chút ít”, ông Trọng chia sẻ.

Với sản phẩm gia cầm, giá gà công nghiệp lông trắng giai đoạn tháng 7, 8 các tỉnh phía Bắc khoảng 15.000-20.000 đồng/kg; các tỉnh phía Nam 6.000-10.000 đồng/kg. Những ngày gần đây, giá gà lông trắng đã tăng trở lại với 27.000-30.000 đồng/kg. Giá gà lông màu không có nhiều biến động dao động từ 50.000-55.000 đồng/kg tại miền Bắc.

Đề cập tác động từ thịt nhập khẩu đến chăn nuôi trong nước, Phó cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, cho biết trong 8 tháng năm 2021, nước ta chỉ nhập 214.000 tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn là 112.000 tấn, còn thông tin nhập 256.000 tấn thịt lợn là không chính xác.

"Bộ không cấp hạn ngạch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật mà toàn bộ theo cơ chế thị trường, bảo đảm tuân thủ quy định của Việt Nam, thông lệ quốc tế và quy định của OIE. Hơn nữa, với tỷ lệ nhập khẩu thịt heo 8 tháng năm 2021 chỉ chiếm 3,6% sản lượng thịt heo trong nước, do đó, việc nhập khẩu thịt heo không ảnh hưởng đến việc giá thịt heo giảm mạnh thời gian qua”, ông Long khẳng định.

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện cả nước có 104 cơ sở, nhà máy chế biến quy mô công nghiệp của các doanh nghiệp chế biến thịt, trứng và sữa để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, số còn lại có quy mô nhỏ lẻ.

Trong đó có 64 nhà máy và sản phẩm thịt chế biến, hiện các nhà máy chế biến mới tiêu thụ được khoảng 19-20% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước. Còn lại 80% sản lượng chăn nuôi vẫn phải được tiêu thụ dưới dạng thịt chưa chế biến.

Đề cập về bất hợp lý trong chuỗi cung ứng thịt, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết mặc dù giá lợn hơi xuất chuồng giảm rất sâu trong thời gian vừa qua, giá lợn bán lẻ tuy cũng giảm, thế nhưng với tốc độ giảm nhỏ hơn nhiều so với đà giảm của thịt hơi.

Kết quả, mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá lợn hơi hiện nay quá cao. Cụ thể, ngày 20/10: tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá thịt lợn được giao dịch tại mức từ 110.000 – 140.000 đồng/kg tùy loại. Giá tại siêu thị như VinMart dao động trong khoảng 129.900 - 199.900 đồng/kg đối với thịt mát thương hiệu Meat Deli.

Ở các chợ truyền thống vùng nông thôn (không phải vận chuyển đi xa) giá thịt lợn từ 80-90 ngàn đồng/kg, giá này là hài hòa lợi ích 3 khâu sản xuất -lưu thông phân phối-tiêu dùng.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm.

Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa thịt, đảm bảo cân đối cung cầu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Hướng dẫn triển khai cùng các địa phương sớm mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối khi bảo đảm an toàn dịch bệnh để kịp thời tổ chức tiêu thụ đồng bộ có hiệu quả chuỗi cung ứng thịt.

Bộ Công thương cần tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, giám sát thị trường để ngăn chặn hiện tượng trục lợi khi giá lợn hơi đã giảm sâu nhưng giá bán lẻ còn quá cao. Đồng thời, nghiên cứu việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thịt lợn đông lạnh nhập khẩu.

 
"Đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo giải quyết triệt để ách tắc trong vận chuyển vật tư, thiết bị đầu vào để sản xuất chăn nuôi và sản phẩm đầu ra của các cơ sở sản xuất, chế biến trong trường hợp có dịch bùng phát".
Ông Phùng Đức Tiến -Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, yêu cầu Cục Chăn nuôi và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung chỉ đạo việc sản xuất chăn nuôi đối với việc lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nhằm đảm bảo tăng trưởng ổn định, điều tiết được cung cầu hàng hóa phục vụ tại chỗ và cung cấp cho các tỉnh thành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất. Chính phủ cũng cần có chính sách đất đai cho chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, dự trữ thực phẩm, đầu tư hạ tầng cho giết mổ, chế biến.