11:00 10/05/2022

Giải pháp nào để bất động sản thúc đẩy nền kinh tế phát triển?

Kiều Linh

Trong bối cảnh khó khăn kép như hiện nay, nếu thị trường bất động sản không được hỗ trợ kịp thời, không có sự điều tiết và quản lý khoa học, sẽ dễ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền và có thể để lại những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế…

Ước tính hàng năm, bất động sản đóng góp gần 8% GDP. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như: xây dựng; công nghiệp chế biến chế tạo; du lịch; lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng...

BẤT ĐỘNG SẢN ĐANG GÂY BẤT LỢI CHO NỀN KINH TẾ?

Đánh giá chi tiết về vai trò của thị trường bất động sản với sự phát triển kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng trước hết, thị trường bất động sản góp phần cung cấp nhà ở, cơ sở hạ tầng cho đô thị. Mười năm qua, bình quân mỗi năm xây mới 60 triệu m2 nhà ở, tập trung nhiều nhất ở khu vực đô thị. Theo tính toán, mỗi năm thị trường bất động sản đóng góp 0,4 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế, tương đương 10% tổng thu nhập quốc dân và 3% tăng trưởng GDP.

Ngoài ra, thị trường bất động sản còn là đầu kéo thúc đẩy các ngành khác phát triển như vật liệu xây dựng, tài chính, lao động. Không chỉ Việt Nam, kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy để đầu tư một mét vuông nhà ở cần 17 nhân công lao động. Phát triển một căn hộ có nhu cầu tăng thêm 0,4 người lao động. Ví dụ, xây dựng một nhà chung cư cũng phải có bảo vệ, vệ sinh, cung cấp dịch vụ... Đặc biệt, khi thị trường bất động sản phát triển sẽ thu hút nhiều sản phẩm tăng theo như hạt cát, viên gạch, cái đinh, nội thất... Những điều trên cho thấy tầm quan trọng của bất động sản với sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam có sự phát triển chưa tương xứng với nhu cầu cũng như quy mô của nền kinh tế, thậm chí, trong bối cảnh khó khăn kép như hiện nay, nếu thị trường bất động sản không được hỗ trợ kịp thời, không có sự điều tiết và quản lý khoa học, sẽ dễ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền và có thể để lại những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế…

Theo đánh giá của ông Hà, thị trường phát triển thiên về đất nền khi nhiều địa phương, doanh nghiệp ồ ạt phân lô bán nền. “Thị trường đất nền phát triển nóng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, xảy ra cơn sốt không đáng có. Khi đất nền chỉ để đầu tư lướt sóng kiếm lời, không phục vụ phát triển thị trường lành mạnh, thị trường sẽ méo mó đi”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, nguồn cung các công trình công cộng, nhà ở, bất động sản thương mại… vẫn còn hạn chế. Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho hay nguồn cung ngày càng thiếu, thiếu trầm  trọng tất cả các phân khúc. Năm 2018 nói nhiều đến tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp, du lịch... nhưng hiện giờ dự án không ra được, trong khi nhu cầu sử dụng thực chất lẫn nhu cầu đầu tư vẫn tăng.

“Thậm chí, vừa rồi có tình trạng câu kết liên kết làm giá giữa sàn và chủ đầu tư, giữa các sàn với nhau hay các sàn với môi giới, chủ đầu tư không đem hàng ra bán liên kết với sàn nâng giá làm nhiễu loạn thông tin”, ông Khởi nói và thêm rằng, vốn cũng là một trong những vấn đề không thể xem thường trong kinh doanh bất động sản. Thời gian qua, bên cạnh doanh nghiệp có nguồn lực lớn thì nhiều doanh nghiệp vẫn phụ thuộc tín dụng, trong khi đó hiện nay ngân hàng đang siết tín dụng. Siết thị trường vốn thì thị trường bất động sản sẽ không phát triển được.

GIẢI PHÁP ĐỂ BẤT ĐỘNG SẢN THÚC ĐẨY NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN

Bình luận thêm về vai trò của thị trường bất động sản với nền kinh tế, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản phát triển phải thúc đẩy nền kinh tế phát triển chứ không phải gây bất lợi cho nền kinh tế. Do vậy, Bộ Xây dựng đưa ra bốn giải pháp nhằm phát huy vai trò “đầu kéo” của thị trường bất động sản.

Thứ nhất, phải thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh không đi theo lợi ích nào. Làm sao để tạo nguồn cung – cầu ổn định chứ không phải khan hiếm thì đẩy cung tăng đột biến, phải xác định nhu cầu ở thực tế nguời dân. Ví dụ, đối tượng thu nhập thấp, khả năng kinh tế vừa phải sẽ tiếp cận nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, do đó, phải xác định để hướng vào đầu tư dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu.

Thứ hai, phải có hành lang pháp lý để cấp vốn đầu tư tín dụng, tài chính cho bất động sản. Chúng ta hay nói tài chính bất động sản hay nhà ở nhưng hiện nay rất thiếu, phụ thuộc cơ bản vào nguồn vốn tín dụng mà chưa có quỹ đầu tư, đã từng đề xuất quỹ tiết kiệm nhà ở hay quỹ tín thác đầu tư nhưng không hoạt động được gì. Các quỹ này cần phải hoạt động để nguồn vốn cho bất động sản không quá phụ thuộc vào ngân hàng.

Thứ ba, các địa phương cần xem lại hoạt động quản lý đầu tư bất động sản, làm sao khi cấp dự án để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển chứ không phải chỉ thu ngân sách.

Thứ tư, phải có cơ chế pháp luật ổn định  và tính đến dài hạn, có thể một vài năm chưa đúng nhưng dài hạn thì đúng. Ví dụ, khuyến khích đầu tư kinh doanh bất động sản, đặc biệt bất động sản phục vụ đúng nhu cầu thực để giúp cho đối tượng thiếu nhà ở sẽ có được nhà ở ổn định.

Hiện nay, Bộ Xây dựng trình Chính phủ Nghị định quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin bất động sản. Việt Nam có Nghị định 117 nhưng vừa rồi Bộ Xây dựng đã chỉnh sửa, sau khi tập huấn triển khai thì chắc chắn hệ thống thông tin thị trường tốt hơn. Bên cạnh đó là vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong quý 1/2022, Việt Nam có gần 2,7 tỷ USD đầu tư vào bất động sản, chiếm 30,3% tổng FDI đăng ký. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm nhưng nguồn vốn đầu tư bất động sản tham gia trực tiếp thị trường vẫn còn hạn chế.

“Pháp luật đất đai của chúng ta chưa mở rộng. Muốn thu hút được phải sửa đổi quy định pháp luật. Tôi tin rằng, muốn thị trường bất động sản phát triển thì phải thực hiện nhiều giải pháp như trên”, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản nhấn mạnh.

Ở góc độ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trong hai năm qua, gần như quá khó khăn với thị trường bất động sản, có lúc phải đóng cửa công trường xây dựng, đặc biệt bất động sản nghỉ dưỡng không có khách (quốc tế và trong nước) kéo dài hàng năm trời. “Do đó, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp bất động sản mong muốn Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước quan tâm có cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển và là điểm cốt yếu để phục hồi kinh tế”, ông Hà kiến nghị.