19:22 21/08/2010

Giải quyết khiếu nại: Cơ chế nào hiệu quả?

Nguyên Hà

Khiếu nại ngày càng gia tăng song quá trình giải quyết chậm chạp, lòng vòng vì thiếu cơ chế hữu hiệu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khiếu nại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khiếu nại.
Cơ chế giải quyết khiếu nại hiện hành đã tồn tại trên 30 năm với tính nhân văn là tạo cơ hội cho người bị khiếu nại sửa sai, nhưng trên thực tế lại không có hiệu quả.

Nhận định này đã được đưa ra tại báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Khiếu nại, được Ủy ban Thường vụ cho ý kiến chiều 21/8.

Tại báo cáo này, thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị chưa nên trình ra Quốc hội dự án luật Khiếu nại. Vì “nội dung không có gì khác nhiều so với luật hiện hành”.

Những nội dung của dự thảo luật chưa đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội là xây dựng cơ chế hữu hiệu để giải quyết khiếu kiện hành chính phù hợp với tình hình thực tế của nước ta và thông lệ quốc tế, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.

Hiện nay, trình tự giải quyết khiếu nại gồm hai giai đoạn, lần đầu do người ra quyết định, hành vi hành chính xem xét lại quyết định, hành vi của mình bị khiếu nại. Lần hai do cấp trên của người bị khiếu nại xem xét lại việc giải quyết khiếu nại lần đầu.

Tại dự thảo luật, việc giải quyết lần đầu được thay thế bằng trách nhiệm xem xét lại của người bị khiếu nại và lần hai được giao cho thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị khiếu nại.

“Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại này chả khác gì luật hiện hành, nên “ trình Quốc hội thì Quốc hội sẽ phê bình”, Chủ nhiệm Thuận mở đầu phiên thảo luận, ngay sau khi trình bày báo cáo thẩm tra.

Đa số các ý kiến sau đó đều nêu lên thực trạng hiện nay là khiếu nại ngày càng gia tăng song quá trình giải quyết chậm chạp, lòng vòng, Trung ương “kêu” địa phương, địa phương “phàn nàn” Trung ương vì thiếu cơ chế hữu hiệu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nêu thực tế “đơn thư gửi đến chúng tôi để kín nửa gian phòng nhưng không biết giải quyết thế nào” vì khiếu nại không được xem xét giải quyết triệt để, vụ việc càng ngày càng nhiều.

Ông đề nghị bỏ bước một trong trình tự giải quyết khiếu nại tại dự thảo luật vì “sự chậm trễ hiện nay là do khâu này”.

Cũng đề nghị bỏ đi một bước, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị không nên chuyển sang cơ quan cấp trên nữa. Mà sau khi người bị khiếu nại xem xét, người khiếu nại không đồng tình thì chuyển luôn sang tòa án giải quyết “cho văn minh”.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng băn khoăn rằng tại sao Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về việc thành lập cơ quan tài phán hành chính rồi lại thôi? Theo ông việc thành lập cơ quan này sẽ là bước đệm tốt để sau đó chuyển dần việc giải quyết khiếu nại sang tòa hành chính.

Còn trong một số năm tới thì tòa án “cũng không giải quyết được vấn đề” khi chưa tổ chức được tòa án khu vực, thẩm phán vẫn còn lệ thuộc vào chính quyền, ông Vượng phân tích.

Nhận xét “không khác gì nhiều” luật hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba còn chỉ ra phạm vi điều chỉnh của dự luật này hẹp hơn cả luật hiện hành, trong khi lẽ ra phải mở hơn. Điều này khiến cho pháp luật có khoảng trống, bà Thu Ba lo lắng.

Không đánh giá cao về chất lượng, chỉ ra khá nhiều bất cập, song một số ý kiến vẫn nhất trí trình Quốc hội dự án luật Khiếu nại vào kỳ họp cuối năm nay. Vì, “đã đưa vào chương trình xây dựng luật rồi”.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn tiếp thu các ý kiến đóng góp, nâng cao chất lượng dự thảo luật để tăng tính thuyết phục khi trình Quốc hội.