16:17 22/12/2020

Giải quyết nút thắt cản trở doanh nghiệp

Vũ Khuê

Phỏng vấn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2020 (VBF 2020) được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo nhiều dự báo, khó khăn vẫn còn kéo dài. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng nhiều giải pháp trọng tâm từ Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, nắm bắt cơ hội trong trạng thái bình thường mới.

Thưa ông, năm 2020 là một năm đầy biến động với nền kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về bức tranh doanh nghiệp năm nay?

Năm 2020 là năm cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vô cùng to lớn. Dịch bệnh Covid-19 lây lan trên quy mô toàn cầu, thương chiến Mỹ-Trung có nhiều diễn biến phức tạp, cùng những thiệt hại to lớn do thiên tai xảy ra... đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Trong 11 tháng 2020, đã có gần 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có mức độ sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm trước, như dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, vận chuyển hành khách... 

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, Việt Nam vẫn nổi lên một trong những điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới. Theo ước tính và dự báo từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức 2 đến 3% trong năm 2020. Việt Nam là một trong số hiếm hoi các nước có mức tăng trưởng dương trên thế giới trong năm nay. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng qua vẫn tăng 3,5% so với cùng kỳ 2019, ước tính đạt 489,1 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 đạt 26,4 tỷ USD, chỉ giảm 16,9% so với cùng kỳ 2019. 

Việt Nam đạt được kết quả khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới không sáng sủa, theo ông, động lực từ đâu?

Những thành công trên là kết quả của những nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi của Nhà nước từ đầu năm đến nay trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều cơ hội mới đã được mở ra với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như: Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu được phê chuẩn tháng 6/2020; Hiệp định RCEP ký kết ngày 15/11/2020. Gần đây nhất là kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh ngày 11/12/2020 và Thỏa thuận cộng gộp xuất xứ dệt may Việt Nam - Hàn Quốc (13/12/2020). Quốc hội cũng đã thông qua một số luật quan trọng, theo hướng thông thoáng hơn, như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi...

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực kinh doanh với nhiều giải pháp cụ thể. Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh tích hợp số thủ tục hành chính mới lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tiếp tục thúc đẩy chương trình rà soát và đơn giản hoá điều kiện kinh doanh với trọng tâm cải cách các quy định về kinh doanh và gỡ bỏ chồng chéo xung đột. Đặc biệt tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu rất cụ thể: giảm 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. 

Những thành công kinh tế đã nêu cũng chính là nhờ kết quả của sự cố gắng vượt bậc của các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chưa từng có này. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên kịch bản để ứng phó với khó khăn, rất nỗ lực duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại, bảo đảm cho người lao động có việc làm, có thu nhập.

Nhiều dự báo cho thấy, năm 2021 nền kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn và Việt Nam không là ngoại lệ. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng gì từ các giải pháp của Chính phủ để vượt qua những thách thức này?

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi từ Covid-19 và tiếp tục phát triển. 

Cụ thể, về nguồn nhân lực, đề nghị xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên sâu, bài bản trong những ngành công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cần thiết nhất hiện nay. Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các đánh giá khoa học và dự báo được về những thay đổi của thị trường lao động việc làm trong 5-10 năm tới. 

Về cơ sở hạ tầng, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai hiệu quả Luật PPP và Luật Đầu tư công với ưu tiên cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông và các dự án đang triển khai dở dang. Đảm bảo sự kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm đến các cửa khẩu quốc tế. Tại các cửa khẩu quốc tế trọng điểm, đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống logistics cần thiết...

Về nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ hỗ trợ tăng cường năng lực và chất lượng xúc tiến đầu tư thương mại thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hay dành nguồn lực thích đáng cho những tổ chức xúc tiến thương mại như VCCI. Ngoài ra, có thể thiết lập Cổng thông tin về thị trường và kết nối kinh doanh cho doanh nghiệp; thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại cho hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài... 

Ở trong nước, đối với các nhóm nông sản mà các nước đối tác nhập khẩu có yêu cầu đặc thù, Chính phủ hỗ trợ thiết lập các trung tâm kỹ thuật nhằm hướng dẫn người sản xuất, xuất khẩu thực hiện các yêu cầu; thực hiện việc kiểm tra hàng hóa miễn phí hoặc phí ưu đãi theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu; phối hợp với đơn vị kỹ thuật được đối tác chỉ định để giúp thúc đẩy nhanh việc thực hiện các yêu cầu kỹ thuật.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ trực tiếp trên, doanh nghiệp còn rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi. Theo ông, Chính phủ cần làm gì để các thủ tục pháp lý không "cản" doanh nghiệp phát triển?

Tôi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

Đặc biệt, tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ doanh nghiệp là các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung rà soát và tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. 

Đồng thời, triển khai thực chất việc xây dựng chính quyền điện tử, trong đó cần ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để đảm bảo công tác quản lý đối với doanh nghiệp thực hiện thống nhất, đồng bộ. 

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy định về điều kiện kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các bộ ngành và chính quyền các địa phương thực thi đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết 68 của Chính phủ mà trọng tâm cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp, theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra kiểm tra. Cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Quan trọng nữa là Chính phủ cần xây dựng và triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.