19:15 08/01/2024

Giám đốc Dragon Capital: "Kỷ lục sẽ bị phá, lãi suất sớm giảm một lần nữa, chứng khoán tăng 30% năm 2024"

Kiều Trang

Dragon Capital vẫn tin lãi suất Việt Nam tiếp tục có một nhịp giảm nữa trong vòng 4-5 tháng tới dù đây là mức thấp kỷ lục rồi nhưng kỷ lục sẽ bị phá.

 Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối chứng khoán của Dragon Capital.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối chứng khoán của Dragon Capital.

Chia sẻ tại chương trình "Investor day quý 4/2023" do Dragon Capital tổ chức mới đây, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối chứng khoán của Dragon Capital nhận định nền kinh tế năm 2024 có nhiều điểm sáng, mọi kênh đầu tư đều kiếm được tiền chỉ là vấn đề chọn kênh nào kiếm được nhiều hơn.

SẼ CÓ THÊM MỘT ĐỢT GIẢM LÃI SUẤT TRONG 4-5 THÁNG NỮA

Theo ông Lê Anh Tuấn, năm 2023 là năm thị trường chứng khoán tăng trưởng hồi phục nhưng chưa ấn tượng do chưa có lợi nhuận doanh nghiệp.  Đâu đó vẫn có sự băn khoăn, phân vân của Ngân hàng Trung ương về chuyện tập trung tăng trưởng hay tập trung cho ổn định. 

Dragon Capital luôn khẳng định trong môi trường lãi suất thấp chứng khoán khó kỳ vọng điều chỉnh mạnh trên 15-20%. Nhìn lại giai đoạn 2013-2018 chu kỳ lãi suất giảm có đủ biến động nhưng chưa có năm nào chứng khoán giảm hơn 20%, theo thống kê của Dragon Capital. 

Câu hỏi đặt ra 2024 thị trường sẽ diễn biến thế nào? Giám đốc Khối chứng khoán của Dragon Capital cho rằng chỉ cần nắm 3 trụ cột phân tích. Nếu nói đúng được 3 trụ cột này là kiếm được tiền, nói sai là mất tiền.

Thứ nhất, chính sách tiền tệ là mục tiêu quan trọng nhất. Thứ hai ổn định kinh tế vĩ mô chính trị... Thứ ba là tăng trưởng, không quan tâm GDP mà chuyển hóa qua lợi nhuận doanh nghiệp, chuyển hóa qua hoạt động thực của nền kinh tế.

Chi tiết hơn, về chính sách tiền tệ: Lãi suất cho vay và huy động đang ở mức thấp hơn vùng Covid. Liệu có thấp nữa không, Dragon Capital vẫn tin lãi suất Việt Nam tiếp tục có một nhịp giảm nữa trong vòng 4-5 tháng tới dù đây là mức thấp kỷ lục rồi nhưng kỷ lục sẽ bị phá.

Lý do tại sao? Lãi suất và lạm phát luôn có sự tương quan nhất định. Với tốc độ phục hồi kinh tế phục hồi tương đối yếu như hiện tại, lạm phát không phải vấn đề đáng ngại, quan trọng là tăng trưởng. Do đó, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng vẫn còn.

Chỉ cần Fed có 1 lần giảm lãi suất, Việt Nam có nhịp giảm tiếp theo. Năm 2021 chứng khoán bùng nổ không phải do chính sách tiền tệ Việt Nam chúng ta thấp mà có sự đồng thuận của phần lớn ngân hàng trung ương thế giới. Sau hơn 2 năm lần đầu tiên trong 2 tháng vừa qua, số lượng ngân hàng trung ương giảm lãi suất nhiều hơn so với số lượng ngân hàng trung ương tăng lãi suất, thống kê từ trên 150 ngân hàng thế giới cho thấy điều đó. Không phải chỉ Việt Nam mà toàn cầu, lãi suất phải đi xuống. 

Thứ hai về ổn định tỷ giá. Tỷ giá Việt Nam không nên nhìn chuyện FDI cũng như xuất siêu hay nhập siêu. Bởi vì khối ngân hàng về mặt tài sản có và nợ chỉ khoảng 6-7 tỷ đô la thôi trong khi đó tiền đô trong dân 50-100 tỷ đô. Ngân hàng trung ương mà không kiểm soát được tâm lý thì người dân của chúng ta có thể đi mua đô và tạo biến động do đó tỷ giá là một vấn đề quan trọng. Xét tổng thế bức tranh Việt Nam đang hồi phục, tỷ giá 2024 dịch chuyển trong phạm vi +-3% thì bình thường. Có sự ổn định nhất định của nền kinh tế.

Thứ ba, về phục hồi kinh tế: Không nên nhìn con số GDP. Về tốc độ phục hồi 2023-2024 nên nhìn lượng container xuất cảng và coi là hoạt động một phần của nền kinh tế. Lượng này ghi nhận tệ trong quý 1/2 nhưng có phục hồi nhất định. Thứ hai là điện năng. Quý 1 điện năng tăng trưởng âm 1,1% chuyển dịch cuối năm dương từ từ và 3,3% so năm 2023. Điểm sáng là chúng ta có sự phục hồi.

"Tóm lại triển vọng 2024 chúng ta có chính sách tiền tệ nới lỏng tuyệt đối không nên kỳ vọng cú rớt mạnh thị trường. Chúng ta mục tiêu kiên quyết là tăng trưởng, cái chờ duy nhất là lợi nhuận doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ ghi nhận lãi suất thấp tháng 9/10/2023 thì mất một thời gian 9-12 tháng thẩm thấu vào doanh nghiệp, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ phục hồi", vị này kỳ vọng. 

Giám đốc Dragon Capital: "Kỷ lục sẽ bị phá, lãi suất sớm giảm một lần nữa, chứng khoán tăng 30% năm 2024" - Ảnh 1

CHỨNG KHOÁN KỲ VỌNG SẼ TĂNG 30%

Triển vọng thị trường thế nào? Theo ông Tuấn Anh, xét về chu kỳ, chúng ta chia 4 chu kỳ chính của thị trường chứng khoán, bao gồm chu kỳ hồi phục, hưng thịnh, giảm tốc và suy thoái.

Với chu kỳ hồi phục, cổ phiếu thường tăng trưởng mạnh và đây là thời điểm nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận vượt trội nhất. Lợi suất chứng khoán trong chu kỳ hưng thịnh thấp hơn, lưu chuyển ngành nhanh và lợi nhuận giữa các ngành không có nhiều khác biệt. Chu kỳ giảm tốc thường có biến động cao, nhà đầu tư thường ưu tiên cổ phiếu phòng thủ, năng lượng. Tương tự, giai đoạn suy thoái cổ phiếu phòng thủ cũng trụ vững hơn cổ phiếu tăng trưởng.

Vấn đề tăng trưởng năm 2024, có nhiều rủi ro nhưng nếu chắc chắn lợi nhuận năm nay tăng 20% thì thị trường chứng khoán sẽ tăng 30%. Định giá thì thấp rồi. Dòng tiền trong nước giải ngân vào chứng khoán rất thật, là dòng tiền thịt chứ không phải dòng tiền đi vay mượn đỡ giá.

"2024 là bức tranh sáng hơn nhiều so với 2023. Xét về kênh đầu tư mọi kênh đều kiếm được tiền chỉ là chọn kênh nào kiếm được nhiều thôi", ông Lê Tuấn Anh nói. 

Ngành nào hưởng lợi? Hiện tại, chuyên gia Dragon Capital cho rằng VN-Index đang ở chu kỳ hồi phục khi hội tụ các yếu tố như lãi suất thấp, vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận bắt đầu tạo đáy. Với chu kỳ này nhà đầu tư có thể có hiệu suất vượt trội trên 20%. Trong chu kỳ hồi phục, những ngành beta cao, biến động lớn sẽ có hiệu suất tốt, đơn cử như tiêu dùng không thiết yếu, bất động sản, tài chính ngân hàng sẽ tăng trưởng và mang đến lợi nhuận cao. Ngược chiều, những nhóm ngành như tiêu dùng thiết yếu, y tế, năng lượng, tiện ích như điện nước khả năng sẽ có hiệu suất thấp hơn trong chu kỳ này.