06:00 30/03/2022

Giảm nghèo bền vững: Cần thay đổi cách hỗ trợ người nghèo

Lý Hà

Điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn, nhất là  trong thời “bão” đại dịch Covid-19, vì thế việc xóa đói giảm nghèo đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Do đó cần phải có những thay đổi cách hỗ trợ người nghèo và chú trọng tới tính tự chủ của địa phương cùng sự tham gia của người dân…

Ảnh: Chu Xuân Khoa
Ảnh: Chu Xuân Khoa

Trong bối cảnh mới hiện nay, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo sẽ phải đối diện thêm nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp càng ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm đối tượng yếu thế, đã nghèo đói sẽ càng nghèo đói hơn.

Tuy vậy, với nguồn ngân sách nhà nước cùng với sự hỗ trợ tích cực của các nước, các tổ chức quốc tế, việc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam sẽ vượt khó để đạt được những mục tiêu  đặt ra trong giai đoạn tới.

GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRƯỚC NHIỀU THÁCH THỨC

Trong nhiều năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân luôn là một chủ trương, chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Những chính sách này được đặc biệt quan tâm và kiên trì, bền bỉ thực hiện qua từng giai đoạn khác nhau.

Hiện Việt Nam đã trải qua sáu lần điều chỉnh tiêu chí về nghèo cho phù hợp tình hình thực tế.Từ các tiêu chí về lương thực nhằm bảo đảm có ăn, có mặc, đến áp dụng giá cả, thu nhập, mức sống tối thiểu...và bây giờ chúng ta đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Về phương thức giảm nghèo, Việt Nam chuyển  đi từ chỗ Nhà nước phải bảo đảm ngân sách hoàn toàn sang phương thức Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt; người dân, hộ nghèo là chủ thể...

Giảm nghèo bền vững: Cần thay đổi cách hỗ trợ người nghèo - Ảnh 1

Đánh giá về kết quả xóa đói giảm nghèo trong những năm qua, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã nhấn mạnh tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giảm nghèo giữa Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đồng thời giới thiệu dự án UNDP-MOLISA-DFAT: “Xây dụng chương trình và tư vấn chính sách về giảm nghèo đa chiều và bền vững, giai đoạn 2021-2023”.

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện. Hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả; nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến năm 2020 còn 2,75% và năm 2021 là 2,23%. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo và được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

Mặt khác, chúng ta cũng cần nhận thấy rằng  kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều.

Một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển và hải đảo. Một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả.

Một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chưa chủ động tự vươn lên thoát nghèo.  Hơn nữa, hai năm đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến công việc này, khiến cho công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn tới càng khó khăn hơn.  Theo ông Tô Đức - Chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo, chưa bao giờ công tác giảm nghèo quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như thời điểm này. Thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo, nhất là nghèo đô thị.

THAY ĐỔI CÁCH HỖ TRỢ VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm cốt lõi rất mới so với giai đoạn 2016-2020. Đó là phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Theo ông Tô Đức - Chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo, chưa bao giờ công tác giảm nghèo quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như thời điểm này. Thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo, nhất là nghèo đô thị.
Theo ông Tô Đức - Chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo, chưa bao giờ công tác giảm nghèo quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như thời điểm này. Thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo, nhất là nghèo đô thị.

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm là rất khó khăn. Điều này, cần phải có những đổi mới, sáng tạo hơn trong cách thực hiện. Theo đó, định hướng chương trình thực hiện chiến lược cần tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo. Xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo. Từ cách nhìn này cho thấy phương thức hỗ trợ cho người nghèo cần phải thay đổi cho phù hợp.

Nếu trước đây việc hỗ trợ cho người nghèo là riêng lẻ theo từng hộ gia đình, thì nay sẽ tập trung vào hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng; phát triển và nhân rộng các mô hình; dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp…

Góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Điều này đã được chứng minh bằng thực tế qua một số mô hình xóa đói giảm nghèo dưới sự giúp đỡ của các đối tác quốc tế trong việc nghiên cứu, khuyến nghị xây dựng chính sách giảm nghèo; triển khai các mô hình, sáng kiến giảm nghèo.

Ông Tô Đức, Chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo cho biết các cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều cùng những giải pháp sáng tạo của Việt Nam trong thời gian qua đã được đúc kết từ các Chương trình trước cũng như thử nghiệm thành công bởi các đối tác phát triển trong đó có UNDP, TREAT/DEAT.

Hiện các tổ chức này đang hỗ trợ khoảng 4 tỷ đồng để nghiên cứu đề xuất hướng dẫn mô hình, dự án giảm nghèo nhằm đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, tạo thu nhập tốt cho người nghèo theo hướng thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan cung cấp dịch vụ kỹ thuật trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Có thể kể đến một số mô hình xóa đói giảm nghèo qua nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế đã cho kết quả rất tốt như “Mô hình sinh kế dựa vào chuỗi giá trị” của tổ chức Oxfam, mô hình tiết kiệm tín dụng của tổ chức Cứu trợ trẻ em Nhật Bản (SCJ) và mô hình giảm nghèo dựa vào phát triển kinh doanh nhóm du lịch cộng đồng của tổ chức Lao động quốc tế (ILO)…

Hoặc mô hình “Nuôi bò sinh sản” giai đoạn 2021-2024 của tỉnh Bến Tre cũng đã chứng minh cho sự thay đổi cách hỗ trợ này. Hộ gia đình tự chọn mua giống nhưng xã sẽ chi trả tiền cho người bán bằng một số tiền nhất định sát với giá thị trường lúc đó chứ không giao tiền cho hộ gia đình như trước.

Sau ba năm các hộ sẽ trả lại vốn vì bò sinh sản bắt đầu có sinh lãi. Trung bình một con bò cái sẽ sinh sản một lứa/năm, có khi ba năm/lứa; thêm con giống, gia đình có thêm động lực phát triển đàn bò tăng thu nhập, kinh tế gia đình sẽ thay đổi đáng kể.

Việc thay đổi cách thức hỗ trợ cho người nghèo; nhân rộng các mô hình, sáng kiến xóa đói giảm nghèo tốt; ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế trong việc xóa đói giảm nghèo phù hợp với từng địa phương là  cách chúng ta thực hiện tốt các mục tiêu mới của mình trong giai đoạn 2021-2025.