08:47 18/08/2023

Giám sát chương trình mục tiêu quốc gia: Cần làm rõ trách nhiệm của ai?

Như Nguyệt

Mong muốn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là có một Nghị quyết sắc sảo, kiến nghị, đề xuất đúng và trúng để thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung vào các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của các chương trình như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo giai đoạn này khác gì so với giai đoạn trước?...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chiều 17/8, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết hiện nay có nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, quan điểm xây dựng nông thôn mới đặt trong tam nông, nông dân là chủ thể, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, mục tiêu giai đoạn này đã khác với giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng, phát huy mô hình nông thôn mới cấp thôn bản ở những vùng khó khăn. Gắn kết với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, làm rõ quan điểm chính sách dân tộc theo đối tượng hay theo địa bàn hay theo cả 2. Kết hợp nhuần nhuyễn các chính sách đó trong các dự án, tiểu dự án như thế nào?.

Về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, điểm mới trong kết luận gần đây của lãnh đạo liên quan đến nội dung này còn gắn với trách nhiệm UBND cấp tỉnh, do đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm nổi bật lên trong Báo cáo.

Bên cạnh tiến độ thực hiện Chương trình, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần quan tâm đến chất lượng. Đề nghị cần làm rõ các quan điểm lớn như: quan điểm xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp; phải có ít nhất 1 Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, hoạt động có hiệu quả, gắn với sinh kế và đời sống ở đó; Xây dưng nông thôn mới phải đặt trong quan hệ với phát triển đô thị và kinh tế đô thị…Xem chương trình đi có đúng hướng hay không? Đồng thời xem xét sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong các nội dung này như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần làm rõ và trả lời được câu hỏi: “Vì sao chậm, vì sao vướng mắc, các điểm nghẽn ở đâu, việc tháo gỡ như thế nào? Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng dường như quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo có suy giảm hơn so với trước không?...”.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn Báo cáo giảm bớt các yếu tố kĩ thuật, tập trung đi sâu vào các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, gắn với các quan điểm, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về vấn đề này, phân tích rõ các hạn chế, vướng mắc, tồn tại, yếu kém trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đưa ra các sáng kiến để thực hiện tốt công tác giám sát, do đó cần làm rõ: còn xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong các Chương trình này như các lần trước không? Còn vấn đề trục lợi chính sách không? Chính sách nào để duy trì được giảm nghèo bền vững?

Đề nghị đánh giá sâu: sau dịch Covid-19 tình trạng nghèo/tái nghèo có tăng lên không hay không tác động, tỉ lệ nghèo hiện nay là bao nhiêu.

Đồng thời nhấn mạnh giám sát là phải xác định rõ trách nhiệm, không thể chung chung, trách nhiệm của ai (Quốc hội, Chính phủ hay các bộ ngành) thì cần được chỉ rõ.

“Sau giám sát thì cần tạo chuyển biến căn bản, tập trung toàn lực cho việc thực hiện 3 chương trình; từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đến việc phối hợp, có cần thay đổi gì không? Và ở địa phương cũng vậy", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần gia công lại Báo cáo tóm tắt, dự thảo Nghị quyết kèm theo phụ lục, văn bản nào huy bỏ, văn bản nào sửa đổi, bổ sung, cơ quan nào chịu trách nhiệm thì giám sát mới có hiệu lực; không nên chỉ tập trung vào số liệu, cần nhìn lại mục tiêu, yêu cầu, quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội - Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát, nhận trách nhiệm những hạn chế của Đoàn, đề nghị các Tổ giúp việc và Đoàn công tác nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.

Đề nghị đầu tư công sức, rà soát lại Báo cáo chung cho đầy đủ, tập trung công sức và nguồn lực chuẩn bị Báo cáo tóm tắt và dự thảo Nghị quyết sao cho sắc sảo, vừa khái quát, vừa cụ thể để sau đợt giám sát này có chuyển biến căn bản hơn về việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.