Giảm sâu nhưng chứng khoán vẫn chưa thực sự rẻ để hút dòng tiền?
Nếu không tính đến nhóm Tài chính (Ngân hàng, Chứng khoán, Bảo hiểm) và Bất động sản, thì P/E các ngành còn lại đang ở vùng đỉnh lịch sử....
Theo FiinTrade, thị trường chứng khoán Việt Nam đang giao dịch với P/E trượt 12 tháng ở mức 14,8x, tăng +30% từ đầu năm đến nay và tiệm cận vùng định giá giai đoạn tiền rẻ 2021-2022.
Hai ngành có ảnh hưởng lớn đến định giá toàn thị trường là Ngân hàng và Bất động sản, hiện đang giao dịch ở vùng P/E khá thấp. Với Ngân hàng, P/E thường duy trì ở mức thấp do đặc thù ngành. Với Bất động sản, P/E trượt 12 tháng đang ở mức 13x, thấp hơn khá nhiều so với trung bình 5 năm chủ yếu nhờ nhóm VinGroup (VIC, VHM, VRE).
Nếu không tính đến nhóm Tài chính (Ngân hàng, Chứng khoán, Bảo hiểm) và Bất động sản, thì P/E các ngành còn lại đang ở vùng đỉnh lịch sử. Trong cơ cấu vốn hóa cũng như lợi nhuận của khối Phi tài chính (không bao gồm Bất động sản), nhóm ngành hàng hóa chu kỳ như Thép, Hóa chất, Dầu khí, Bán lẻ… đóng góp tỷ trọng khá cao.
Như vậy định giá chứng khoán đang ở vùng giá cao. Theo chuyên gia của FiinTrade, nhà đầu tư nên mua cổ phiếu chu kỳ khi có yếu tố hỗ trợ “đảo chiều” cho ngành kết hợp với định giá đạt đỉnh! Do đó, trên nền định giá cao như hiện tại, nhà đầu tư nên quan tâm đến các ngành hay nhóm cổ phiếu có giá cùng điều chỉnh trong giai đoạn này nhưng thực sự có triển vọng cải thiện về lợi nhuận trong thời gian tới (ví dụ như nhóm liên quan đến xuất khẩu).
Trong báo cáo chiến lược tháng 10, Chứng khoán DSC cho rằng,thị trường diễn ra theo kịch bản thủng đáy trong báo cáo chiến lược tháng 9 khi đã điều chỉnh tìmđiểm cân bằng. Tuy nhiên, với biên độ điều chỉnh lớn, phá vỡ nhiều trạng thái tích lũy trung hạn, dòng tiền lớn đang cho thấy sự “do dự” với vị thế giải ngân trở lại.
"Với áp lực giảm điểm nhanh và tâm lý giao dịch ngắn hạn bị “tổn thương”, chúng tôi cho rằng rất khó để dòng tiền ngay lập tức quay trở lại giải ngân. Dòng tiền trên thị trường có thể sẽ mất nhiều thời gian để tái tích lũy và giải ngân trở lại", DSC nhấn mạnh.
DSC đánh giá thời điểm tháng 10 là giai đoạn khó đầu tư bởi FED dự phóng nâng lãi suất trong kỳ họp đầu tháng 11; các chính sách tiền tệ thắt chặt từ FED tạo áp lực lớn hơn lên tỷ giá, gây ra lo ngại Việt Nam đảo chiều chính sách và Báo cáo tài chính Qúy 3 được đánh giá ở mức trung lập, có thể đẩy định giá thị trường lên mức cao.
Với xu hướng trung hạn thay đổi, DSC khuyến nghị chiến lược giao dịch ưu tiên tỷ trọng phòng thủ. Những vị thế giải ngân mới đều cần được giữ ở mức tỷ trọng thăm dò trong bất cứ kịch bản nào.
Các yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong tháng này là biến số từ FED và DXY; quán tính điều chỉnh chực chờ khi chỉ số VNINDEX cắt xuống đường tín hiệu MA20, MA50, MA100 (chart ngày; độ rộng thị trường suy yếu ở nhóm Bluechip, nhóm Midcap không đủ trọng số dẫn dắt thị trường chung và dòng tiền thiếu định hướng với khối tổ chức giải ngân thận trọng. Thực tế, chỉ số chung vẫn đang tiếp diễn trong thị trường “giá xuống”.
Với các vị thế trung hạn, DSC khuyến nghị nhà đầu tư giải ngân chia tỷ trọng tại ngưỡng 1105 điểm & 1080 điểm. Các mức hỗ trợ được đề cập trên rất mạnh và phù hợp để thăm dò giải ngân bắt đáy. Ngưỡng 1105 điểm (giải ngân 10%): đường trung bình động dài hạn MA200. Ngưỡng 1080 điểm (giải ngân 50%): điểm mở xu hướng tăng điểm trung hạn vào T6/23 (điểm hấp thụ áp lực cung giai đoạn tích lũy đầu năm).
Ở thời điểm hiện tại, khi thị trường vẫn tiếp tục điều chỉnh, nhà đầu tư nên ưu tiên quan sát & giao dịch tỷ trọng phòng thủ do áp lực bán hoảng loạn còn diễn ra. Trong trường hợp thị trường tìm được điểm cân bằng quanh các vùng 1080 - 1105, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tập trung tại các nhóm xuất khẩu, hàng hóa & nhóm vốn hóa lớn (cần chờ điểm mua khi điều chỉnh).