Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Tôi tin RCEP chính là thiên thời, địa lợi, nhân hoà"
Ký kết được RCEP lúc này "tôi tin đây chính là "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa", theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
HIệp định thương mại lớn nhất thế giới - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) quy mô GDP 26.200 tỷ USD đã chính thức được Bộ trưởng kinh tế các nước ký kết trực tuyến ngày 15/11 sau 8 năm dài đàm phán.
Trao đổi với truyền thông về vị thế của Việt Nam khi tham gia hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, RCEP được ký vào thời điểm "thiên thời, địa lợi và nhân hoà".
Sau 8 năm đàm phán, RCEP đã được ký kết ngay tại Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay khi Việt Nam là nước chủ nhà giữ vai trò Chủ tịch ASEAN. Tại sao lại là thời điểm này, thưa Bộ trưởng?
Năm 2020 chính là thời khắc lịch sử khi ASEAN lần đầu tiên với vai trò trung tâm của mình đã ký được Hiệp định thương mại tự do RCEP với 5 đối tác: Hàn Quốc, Trung Quốc Nhật Bản, Australia và New Zealand.
RCEP tạo ra một khu vực thương mại-kinh tế tự do lớn nhất thế giới, chiếm tới 30% tổng GDP toàn cầu tức gần 27.000 tỷ USD, với 2,2 tỷ người tiêu dùng. Điều đó cho thấy một thực thể mới, một mô hình mới của thương mại và kinh tế đã được hình thành sẽ tạo ra nền tảng cho khuôn khổ thương mại công bằng và tự do để bảo vệ lợi ích cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Trong một thế giới có nhiều biến động cả bảo hộ mậu dịch, thiên tai, dịch bệnh, cạnh tranh địa chính trị. ASEAN kí được RCEP chính là nền tảng bảo vệ lợi ích, hài hoà được lợi ích kinh tế và thương mại, ổn định chính trị, chủ quyền và thịnh vượng, phát triển chung cho các nước ASEAN. Một điều rất tự hào, RCEP và CPTPP đem lại 2 mô hình lý tưởng, ấn tượng cho hình thức hợp tác kinh tế khu vực châu Á, Thái Bình dương - khu vực năng động nhất thế giới.
Mặc dù đã đặt mục tiêu từ khá sớm, nhưng do hoàn cảnh đặc biệt và diễn biến đột biến nên hiệp định RCEP đã nhiều lần phải "lỗi hẹn". Vì vậy, 1 trong 13 sáng kiến ưu tiên của ASEAN do Việt Nam đề xuất trong năm 2020 chính là kết thúc đàm phán và ký kết RCEP tại Hà Nội.
Trong một môi trường và bối cảnh rất mới khi dịch bệnh bùng phát khiến các quốc gia không có điều kiện đàm phán trực tiếp mà phải chuyển đổi phương thức qua trực tuyến. Đây là việc không hề đơn giản và dễ dàng để giải quyết những vấn đề mang tính kỹ thuật và nhất là phải đảm bảo việc cân bằng về lợi ích, từ đó tìm ra được điểm hài hòa chung giữa các nước… Tuy nhiên, Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN, cùng với các đối tác đã làm rất tốt nhiệm vụ này.
Vậy RCEP sẽ đem lại những lợi ích gì cho Việt Nam thưa ông?
RCEP là khu vực thương mại-kinh tế tự do trên nền tảng của thương mại tự do đã được hình thành với những quy mô rất lớn quy tụ 15 nền kinh tế có trình độ và sự phát triển kinh tế khác nhau. Tuy vậy, cơ cấu kinh tế không tương đồng nên có thể bổ sung và hợp tác với nhau rất thuận lợi.
Tất cả các doanh nghiệp của các nước tham gia hiệp định có thể tái cơ cấu chuỗi cung ứng, định vị lại các chuỗi cung ứng và tiếp đến là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Với sân chơi 2,2 tỷ dân này, cơ hội dành tất cả, gồm doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Riêng Việt Nam, chúng ta có một nền kinh tế mở, xuất khẩu đứng thứ 25 trên thế giới thì rõ ràng RCEP đem đến một cơ hội rộng mở về một thị trường xuất khẩu đủ lớn, doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mục tiêu và nền tảng chính của RCEP dựa trên 3 yếu tố: Tạo ra hài hòa về các thủ tục xuất xứ; thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại, tạo môi trường thuận lợi để kết nối các nền kinh tế nhằm tăng cường năng lực sản xuất, xây dựng ASEAN trở thành một khu vực kinh tế trọng điểm.
Lúc này tôi tin đây chính là "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" vì vào thời điểm khi mà thế giới đang định vị, tổ chức lại các chuỗi cung ứng và các hoạt động đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch thì Việt Nam cùng các quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết được Hiệp định RCEP với các đối tác quan trọng.
Cùng với các nước ASEAN khác, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ những nước trong RCEP cũng như các nước đối tác khác, qua đó nâng cao năng lực công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng lao động cũng như năng lực cạnh tranh chung của quốc gia và khu vực.
Cơ hội tham gia FTA lớn nhất thế giới là vậy, nhưng sức ép cạnh tranh với doanh nghiệp Việt trong RCEP có lớn hơn các hiệp định khác không, thưa Bộ trưởng?
Với RCEP, chúng ta cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, thương mại, dịch vụ và đầu tư nhưng chúng ta không cam kết cao hơn những hiệp định thương mại với các đối tác mà Việt Nam đã ký kết (với thị trường Trung Quốc đã có FTA giữa ASEAN và Trung Quốc trước đó).
Do đó, sức ép về cạnh tranh của hàng hóa đối với thị trường nội địa cũng không đặt quá nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để có thể kiểm soát bằng các chính sách trong bối cảnh tiếp tục cải cách, nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp để đảm bảo được những điều kiện thuận lợi trong hiệp định này.
Cùng với các FTA khác như CPTPP, EVFTA thì RCEP chắc chắn sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư ngày càng tiến bộ và phát triển. Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Có như vậy, hiệu quả doanh nghiệp mới được tối ưu.
Xin cám ơn Bộ trưởng!