15:57 27/09/2022

Giao dịch giằng co, vốn ngoại xả mạnh phiên thứ 5 liên tiếp

Kim Phong

Tổng giá trị bán ra của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE hôm nay chiếm khoảng 10,4% giá trị sàn, không hẳn là yếu tố chính ngăn cản đà phục hồi của thị trường. Lực cầu khá dè dặt ở vùng giá cao chiều nay, trong khi các cổ phiếu dẫn dắt đã không làm tốt vai trò kích thích sự hưng phấn...

VN-Index lại thất bại trong nỗ lực phục hồi chiều nay.
VN-Index lại thất bại trong nỗ lực phục hồi chiều nay.

Tổng giá trị bán ra của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE hôm nay chiếm khoảng 10,4% giá trị sàn, không hẳn là yếu tố chính ngăn cản đà phục hồi của thị trường. Lực cầu khá dè dặt ở vùng giá cao chiều nay, trong khi các cổ phiếu dẫn dắt đã không làm tốt vai trò kích thích sự hưng phấn.

Cần nhấn mạnh rằng thị trường tương lai chứng khoán Mỹ và châu Âu trong phiên chiều châu Á đều tăng tốt. Các hợp đồng tương lai chỉ số DJA hay S&P500 đều tăng trên 1%. Nếu có sự bùng nổ từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt, chứng khoán trong nước đã có thể đảo chiều thành công.

VN-Index có nhịp tăng khá tốt trong nửa đầu phiên chiều, VN-Index lên cao nhất 1.117,35 điểm, tăng 0,25% so với tham chiếu. VN30-Index cũng chạm trở lại đỉnh cao buổi sáng, tăng 0,55%. Nhịp tăng này không có lực cầu đủ tốt, đã nhanh chóng “thất thủ” trước áp lực cắt lỗ mới.

Đây thật sự là áp lực cắt lỗ vì rất hiếm cổ phiếu về tài khoản chiều nay có lãi. Trong rổ VN30 thì gần như tất cả các mã mua T+2 đều lỗ. Thống kê với rổ này, giao dịch buổi chiều không có áp lực bán lớn nào, thanh khoản rất thấp với 1.417 tỷ đồng, nhưng mặt bằng giá cổ phiếu bị hạ xuống. Có 17 cổ phiếu trong rổ VN30 chốt phiên giảm giá so với cuối phiên sáng, 11 mã có cải thiện. Độ rộng cuối ngày là 10 mã tăng/14 mã giảm, không còn cân bằng như buổi sáng. Đáng kể là nhiều blue-chips lại nằm trong số các mã tụt giá, như BID, GAS, VPB, GVR, VCB, VHM, VIC, VNM.

Trong số này VHM diễn biến rất xấu. Cuối phiên sáng trụ này vẫn đứng tham chiếu, nhưng sang chiều thì kém hẳn. Giá giảm liên tục cho đến cuối đợt khớp lệnh liên tục đã mất 1,79% giá trị. Đợt ATC lực bán dồn tiếp, đẩy giá giảm chung cuộc 3,22%. Trụ này vốn hóa rất cao, khiến VN-Index mất xấp xỉ 2 điểm. Xét chung cả ngày thì GAS giảm 1,85% cũng khiến chỉ số ảnh hưởng nhiều, nhưng phần lớn mức giảm này đã có từ sáng. Riêng chiều nay GAS chỉ rớt thêm khoảng 0,18%. Ngoài VHM, những cổ phiếu rơi nhiều nhất trong phiên chiều là FPT giảm 0,98% so với phiên sáng; VPB giảm 0,9%, BVH giảm 1,2%, GVR giảm 0,87%.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trong VN-Index hôm nay chủ đạo là giằng co và nghiêng nhẹ về phía giảm.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trong VN-Index hôm nay chủ đạo là giằng co và nghiêng nhẹ về phía giảm.

Do nhóm dẫn dắt buổi sáng là ngân hàng đã không mạnh thêm được, nhiều trụ lại suy yếu buổi chiều, nên các chỉ số hạ độ cao rất rõ. VN-Index đóng cửa giảm 0,67% tương đương 7,81 điểm so với tham chiếu. VN30-Index giảm 0,4% với thanh khoản chỉ bằng một nửa hôm qua. Trong 20 cổ phiếu giao dịch lớn nhất thị trường, chỉ có 5 mã thuộc rổ VN30 là VPB, NVL, SSI, HPG, VNM. Mặt khác, cũng chỉ có 4/20 mã này đóng cửa trên tham chiếu, còn lại 14 mã giảm.

Mức thanh khoản chung cả phiên hôm nay trên HoSE và HNX giảm 42%, tụt xuống quanh ngưỡng 10 ngàn tỷ đồng. Điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn rất ngại rủi ro, chưa sẵn sàng mua đuổi lên giá cao, dù đã chấp nhận bắt đáy giá thấp. Tâm lý lo sợ vẫn chưa được cởi bỏ, ngay cả khi chứng khoán thế giới có tín hiệu phục hồi.

Dù vậy điểm tích cực là độ rộng cuối phiên vẫn duy trì mức phân hóa nhẹ, với 181 mã tăng/261 mã giảm ở HoSE. Số đi ngược dòng khá xuất sắc với biên độ tăng giá mạnh và thanh khoản tốt có thể kể tới TCH tăng 5,68% giao dịch 138,2 tỷ đồng; NT2 tăng 4,26% giao dịch 57,3 tỷ; VIB tăng 3,1% giao dịch 89,1 tỷ; SHB tăng 2,82% giao dịch 100,7 tỷ; VSC tăng 2,41% giao dịch 43,3 tỷ; CKG tăng 2,14% giao dịch 64,7 tỷ...

Khối ngoại vẫn xả khá tay trong phiên chiều, tổng bán thêm ở HoSE khoảng 660 tỷ đồng nữa. Trong khi đó mua thêm 488 tỷ. Tổng mức bán ròng cả ngày tăng lên 388,6 tỷ đồng. Đây là phiên bán ròng mạnh thứ 5 liên tiếp đối với cổ phiếu trên HoSE với tổng lượng rút ròng tới 1.869 tỷ đồng.

Khối ngoại đã bán ròng mạnh liên tục từ trước khi FED tăng lãi suất và Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng phản ứng tương tự (ngày 22/9). Kể từ đầu tháng 9 tới nay thị trường có 16 phiên giao dịch thì khối ngoại bán ròng trong 12 phiên. Thống kê riêng với HoSE, khối này trong tháng 9 đã rút ròng tổng hợp 3.081 tỷ đồng.