16:44 13/06/2011

Giao dịch ký quỹ: Sẽ thanh lọc công ty chứng khoán

Trọng Nghĩa

Các công ty chứng khoán lớn, kinh doanh tốt sẽ có ưu thế trong việc giành thị phần dịch vụ ký quỹ

Nhà đầu tư sẽ ưu tiên lựa chọn dịch vụ của công ty chứng khoán có mức độ an toàn cao
Nhà đầu tư sẽ ưu tiên lựa chọn dịch vụ của công ty chứng khoán có mức độ an toàn cao
Dự thảo quy chế hướng dẫn giao dịch mua ký quỹ  đang được lấy ý kiến quy định khá chặt chẽ, và không phải công ty chứng khoán nào cũng có thể cung cấp dịch vụ này.

Dịch vụ ký quỹ, hay cung cấp đòn bẩy hiện đang được thực hiện tràn lan thông quan các hợp đồng hợp tác đầu tư giữa công ty chứng khoán và khách hàng. Thậm chí có trường hợp công ty chứng khoán nhỏ, thua lỗ vẫn cố níu kéo khách hàng bằng dịch vụ này. Tuy nhiên, khi quy chế có hiệu lực, thị phần dịch vụ này có thể sẽ được phân chia lại.

Theo dự thảo, để được cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ, công ty chứng khoán phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó đáng chú ý là yêu cầu về vốn. Cụ thể, công ty phải đảm bảo vốn chủ sở hữu (thể hiện trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất nhưng không quá 6 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký) không thấp hơn vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh đã được cấp phép. Ý kiến kiểm toán tại báo cáo tài chính không được có ngoại trừ liên quan đến hạng mục vốn chủ sở hữu. Công ty không rơi vào tình trạng cảnh báo hoặc phải tạm ngừng hoạt động trong vòng 3 tháng gần nhất; đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của Bộ Tài chính.

Trong bối cảnh hàng chục công ty lỗ lũy kế 2 năm liên tiếp, thậm chí  nhiều công ty 3 năm liền chưa có lãi, không phải công ty chứng khoán nào cũng đủ năng lực và điều kiện để cung cấp dịch vụ ký quỹ. Đặc biệt với các công ty  có vốn chủ sở hữu thấp hơn cả vốn điều lệ, nếu không tìm được cửa tăng vốn hoặc sáp nhập thì chắc chắn sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán tháng 5 vừa qua cũng cho thấy thực trạng an toàn tài chính của các công ty chứng khoán còn nhiều vấn đề. Qua  báo cáo của các công ty, có 15 công ty rơi vào vùng báo động. Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính bắt đầu có hiệu lực từ 1/4/2011 sẽ “gò” hoạt động của các công ty chứng khoán trong vùng an toàn và đây sẽ là tiêu chuẩn đầu tiên mà các công ty phải tuân theo trước khi muốn giành thị phần cung cấp dịch vụ mới.

Một điểm nữa cũng khiến sự lựa chọn của nhà đầu tư trở nên cẩn trọng hơn là tỉ lệ ký quỹ sẽ tương tự nhau ở các công ty khi cơ quan quản lý định ra mức sàn. Cụ thể, tỷ lệ ký quỹ ban đầu không được thấp hơn 70% và tỷ lệ ký quỹ duy trì không được thấp hơn 35%. Gần như chắc chắn các công ty sẽ xác định mức ký quỹ tốt nhất để lôi kéo khách hàng.

Theo quy định, nếu không đảm bảo các điều kiện xác định, công ty chứng khoán sẽ phải ngừng ngay lập tức việc ký mới hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ và ngừng gia hạn hợp đồng vay ký quỹ cũ. Rõ ràng yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư và khi đó việc lựa chọn công ty chứng khoán đủ lớn, hoạt động an toàn, có lãi, sẽ được ưu tiên. Đó là chưa kể đến ưu thế của các công ty chứng khoán lớn trong     quy định tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu và tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán đối với một khách hàng không được vượt quá 3% vốn chủ sở hữu.

Khi quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ có hiệu lực, cơ quan quản lý sẽ nắm được thực chất của hoạt động này trên thị trường thông qua các báo cáo định kỳ từ công ty chứng khoán. Đặc biệt, yêu cầu phải trích lập dự phòng đối với các khoản nợ vay giao dịch ký quỹ đúng hạn hoặc chưa xử lý được tài sản thế chấp sẽ làm minh bạch hơn thực trạng tài chính của các công ty chứng khoán.

Một tình trạng phổ biến trong thị trường giá xuống thời gian qua là nhà đầu tư không thể xác định được “khoảng mờ” trong dịch vụ cung cấp đòn bẩy của công ty chứng khoán. Thông thường, khi giá trị tài sản đảm bảo giảm xuống một tỷ lệ nào đó, nhà đầu tư sẽ phải bổ sung tài sản đảm bảo nếu muốn tiếp tục duy trì khoản ký quỹ. Nếu khách hàng không thể bổ sung tài sản đảm bảo, công ty sẽ bán ra tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, hai trường hợp rủi ro đối với công ty có thể xảy ra là việc xử lý tài sản  không  bù đắp nổi khoản vay, lãi vay và khách hàng “xù nợ”; hoặc rủi ro hơn là công ty không thể bán được tài sản thế chấp thì các “cục nợ” đó nằm “bùng nhùng” trong bảng quyết toán của công ty.  Quy định mới sẽ bắt buộc công ty phải trích lập dự phòng trong cả hai trường hợp.