08:06 26/10/2024

Giao dịch nhà đất, cẩn trọng bị “đánh tráo” sổ đỏ

Đỗ Mến

Trước khi giao dịch, các đối tượng thường đóng giả người mua, yêu cầu chủ đất gửi hình ảnh sổ đỏ với mục đích làm giả sổ rồi đến khi gặp nhau sẽ lợi dụng sơ hở để “đánh tráo” sổ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 25/10, TAND TP Hà Nội xử phạt bị cáo Vũ Quý Lãm (SN 1986, cựu cán bộ công an, ở Hà Nội) 25 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Ngoài Lãm còn có 11 đồng phạm đã bị đưa ra xét xử vào năm 2022. Do Lãm bỏ trốn, bị bắt năm 2022 nên tòa án xét xử bị cáo trong vụ án này.

Quá trình xét xử làm rõ thủ đoạn tinh vi của các bị cáo. Theo cáo trạng, thông qua các trang web mua, bán bất động sản như chotot.com, batdongsan.com…, Lãm tìm hiểu thông tin về chủ sở hữu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần bán.

Lãm liên lạc với người bán, giới thiệu mình tên Hoàng, là người đi mua đất…, yêu cầu chủ sở hữu chụp ảnh sổ đỏ, gửi cho mình. Nhận ảnh, Lãm cùng đồng bọn đã làm giả sổ đỏ, rồi lợi dụng sơ hở, đánh tráo lấy sổ đỏ thật…

Ngoài ra, Lãm còn sử dụng thủ đoạn tự nhận bản thân có khả năng vay tiền ngân hàng với lãi suất thấp bằng hình thức thế chấp sổ đỏ, yêu cầu người vay tiền đưa sổ đỏ cho mình.

Sau đó, Lãm phân công các đối tượng trong nhóm làm giả giấy tờ tùy thân của chủ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng, cầm cố hoặc ủy quyền cho người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tiền.

Trong số các chủ đất có bà Nguyễn Thị L. (SN 1966) là chủ mảnh đất hơn 200m2 tại quận Long Biên, Hà Nội. Tháng 10/2019, vợ chồng bà L. có nhu cầu bán thửa đất trên nên nhờ cháu họ rao bán trên mạng internet.

Đọc được thông tin trên, Lãm giả là người mua đất, liên hệ với bà L. Khi được bà L. cung cấp ảnh chụp sổ đỏ qua Zalo, Lãm cùng một số đối tượng (hiện chưa xác minh được lai lịch) đã làm giả sổ đỏ mang tên bà này. Đồng thời Lãm hứa hẹn sẽ mua thửa đất với giá 12 tỷ đồng, mục đích đánh tráo, chiếm đoạt sổ đỏ của bà này.

Ngày 28/10/2019, Lãm cùng đồng bọn mang theo sổ đỏ giả đến nhà bà L. đặt cọc mua đất. Lợi dụng lúc bà L. sơ hở, Lãm đánh tráo, lấy sổ đỏ thật, trả cho chủ nhà sổ đỏ giả.

Sau khi chiếm đoạt được sổ đỏ thật của các chủ đất, Lãm cùng đồng bọn đã làm giả CMND, sổ hộ khẩu của chủ đất, thuê người giả danh chủ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.

Với mảnh đất của bà L., các đối tượng đóng giả vợ chồng chủ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng chiếm đoạt 2 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo còn thực hiện các hành vi chiếm đoạt sổ đỏ của các cá nhân khác.

Cơ quan tố tụng xác định Lãm cùng đồng phạm đã chiếm đoạt của 10 cá nhân và 1 ngân hàng tổng số tiền gần 21 tỷ đồng. Sau khi phạm tội, Lãm bỏ trốn khỏi nơi cư trú, đến ngày 30/5/2022 thì bị bắt.

Không chỉ thực hiện hành vi trên địa bàn Hà Nội, Lãm còn thực hiện hành vi lừa đảo ở Đà Nẵng với thủ đoạn tương tự.

Trên thực tế, tội phạm sử dụng chiêu lừa mua đất, đánh tráo sổ đỏ diễn ra khá tinh vi.

Trước đó, năm 2023, TAND TP Cần Thơ xét xử nhóm 22 bị cáo thực hiện trót lọt việc chiếm đoạt tài sản bằng cách thuê người đóng giả có độ tuổi tương ứng với chủ nhà, chủ đất.

Trong các vụ án này, cơ quan tố tụng thường xác định, các hợp đồng giao dịch đều vô hiệu nên các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Theo chuyên gia, để tránh sập bẫy lừa đánh tráo sổ đỏ, các chủ sở hữu nhà đất nên nâng cao ý thức cảnh giác trong giao dịch, không nên chụp sổ đỏ hay giấy tờ nhà đất quan trọng đăng lên các trang mạng một cách công khai. Nếu chụp thì một số thông tin cá nhân, số sê ri trên sổ cần được che kín, làm mờ.

Luật sư Nguyễn Văn Tiến cho rằng các chủ sở hữu nhà đất chỉ nên cung cấp giấy tờ nhà đất bản photocopy để tránh bị các đối tượng lợi dụng. Ngoài ra, quá trình giao dịch cần thận trọng.

Theo luật sư, trong vụ án này, các đối tượng thường lựa chọn đi theo nhóm, chọn vào khung giờ hành chính khi chủ nhà ở nhà một mình, hứa hẹn đặt cọc tiền, tạo sự tin tưởng rồi lợi dụng sơ hở để đánh tráo sổ. 

Chủ nhà chỉ phát hiện sổ giả khi thực hiện chuyển nhượng nhà đất, sang tên sổ đỏ hoặc khi cơ quan điều tra xác minh...