19:56 17/10/2024

Giàu như Saudi Arabia cũng phải “thắt lưng buộc bụng”

Hoài Thu

Nổi tiếng với những siêu dự án trị giá trăm tỷ USD và hàng loạt dự án đầu tư khổng lồ ở cả trong và ngoài nước, nhưng Saudi Arabia được cho là đang thắt chặt đầu tư...

Sáng kiến Vision 2030 do Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng vào năm 2016 - Ảnh: Getty Images
Sáng kiến Vision 2030 do Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng vào năm 2016 - Ảnh: Getty Images

Giải thích về quy mô của một dự án khổng lồ mà mình đang giám sát ở Riyadh, ông Jerry Inzerillo chỉ ra cửa sổ văn phòng làm việc, nơi có vô số cần cẩu đang vươn cao ngất trên công trường xây dựng.

“Ngoài có khoảng 80 cần cẩu. Chúng tôi sẽ có khoảng 275 chiếc vào năm 2027”, Inzerillo, người Mỹ, một nhân vật kỳ cựu trong ngành nhà hàng khách sạn tại Saudi Arabia, cho biết. “Năm ngoái, chúng tôi đã đổ 500.000 mét khối bê tông”.

Ông Inzerillo hiện là giám đốc dự án Diriyah Gate, công trình thương mại và nhà ở cao cấp có tổng mức đầu tư 65 tỷ USD đang định hình vùng ngoại ô của thủ đô Saudi Arabia. 

Diriyah là một trong 5 “siêu dự án” do Quỹ Đầu tư Quốc gia Saudi Arabia (PIF) đầu tư phát triển, nằm trong sáng kiến “Vision 2030” (Tầm nhìn 2030) của Thái tử Mohammed bin Salman nhằm hiện đại hóa Saudi Arabia và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. 5 dự án này là trung tâm của một loạt hoạt động do PIF đứng sau giúp thay đổi Saudi Arabia trở thành một trong những công trường xây dựng lớn nhất thế giới và trở thành thỏi nam châm hút các nhà thầu và giới tư vấn quốc tế.

Bên cạnh đó, PIF thời gian qua mạnh tay đầu tư trên toàn cầu khi chuyển mình từ một công ty cổ phần nhà nước gần như không có nhiều hoạt động trở thành quỹ đầu tư quốc gia uy tín nhất vùng Vịnh và là một trong những quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới với số tài sản đang quản lý là 925 tỷ USD.

Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ đầu tư với tốc độ điên cuồng, Saudi Arabia giờ đây đang bước vào một giai đoạn mới được mô tả là “hiệu chỉnh lại” hoặc “có trọng tâm trọng điểm” để phù hợp với thực tế hơn.

KHÔNG CÓ NGUỒN TIỀN VÔ HẠN

Theo nguồn tin của tờ báo Financial Times, các cơ quan của chính phủ đang được hướng dẫn cắt giảm chi phí vào đội ngũ tư vấn, đồng thời các thực thể có liên quan tới chính phủ cũng được yêu cầu thắt chặt chi tiêu. Một số dự án đang bị thu hẹp quy mô hoặc kéo dài thời gian triển khai.

Theo Financial Times, các quan chức Saudi Arabia luôn khẳng định rằng tham vọng của vương quốc này không hề giảm bớt và rằng những dự án hàng đầu như Diriyah, vẫn đang được triển khai như dự định. Hàng chục tỷ USD vẫn đang được rót vào các dự án và các ngành công nghiệp mới. Hồi tháng 7, Diriyah trao các hợp đồng xây dựng trị giá 4,2 tỷ USD cho một loạt nhà thầu Saudi Arabia và Trung Quốc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có sự thay đổi rõ rệt sau 8 năm hoạt động rầm rộ và đầu tư mạnh chưa từng thấy khi ngày càng xuất hiện những quan điểm về việc cần thiết phải thận trọng hơn trong việc hiện thực hóa tham vọng của Saudi Arabia.

“Thái tử đang ở trong một giai đoạn mới và giai đoạn mới này là ‘chúng tôi đang rất ổn nhưng phải thật thận trọng trong chi tiêu để phòng bất trắc”, ông Inzerillo nhận xét. “Vì vậy, dù không có điều gì trông giống như động thái ‘thắt lưng buộc bụng’ nhưng KPI và sản phẩm của chúng tôi không được phép có sai sót gì. Chúng tôi phải chi tiêu tiền của vương quốc này một cách có trách nhiệm”.

Theo nhiều nhà phân tích, có nhiều yếu tố tác động dẫn tới sự thay đổi này, trong đó yếu tố lớn nhất là nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm do giá giảm đáng so với các mức kỷ lục thiết lập sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới đang cắt sản lượng 2 triệu thùng/ngày nhằm đẩy giá dầu tăng lên.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều quan ngại rằng hoạt động xây dựng ồ ạt có thể khiến nền kinh tế Saudi Arabia đối mặt lạm phát trầm trọng. Cùng với đó là những thời hạn đầy thách thức của các kế hoạch trong sáng kiến Vision 2030. 

Bản vẽ kiến ​​trúc của Sân bay quốc tế King Salman, dự kiến ​​phục vụ tối đa 120 triệu hành khách vào năm 2030 và thúc đẩy vị thế của Riyadh như một trung tâm hậu cần, thương mại và du lịch toàn cầu - Ảnh: Reuters
Bản vẽ kiến ​​trúc của Sân bay quốc tế King Salman, dự kiến ​​phục vụ tối đa 120 triệu hành khách vào năm 2030 và thúc đẩy vị thế của Riyadh như một trung tâm hậu cần, thương mại và du lịch toàn cầu - Ảnh: Reuters

Theo một nguồn tin nội bộ của PIF, hiện tại, cam kết chi ít nhất 40 tỷ USD mỗi năm của quỹ PIF đang vấp phải áp lực từ Chính phủ về việc chứng minh hiệu quả đầu tư và lợi nhuận mang về.

“Chúng tôi không có nguồn tiền vô hạn. Chúng tôi cần phải định hướng chi tiêu cẩn trọng hơn”, nguồn tin cho biết. “Về cơ bản chúng tôi tin tưởng rằng Vision 2030 đang đi đúng đường, nhưng chúng tôi cần tinh chỉnh mọi thứ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu nhìn vào bản chất của quá trình chuyển đổi mang tính cấu trúc này”.

GẦN MỘT THẬP KỶ ĐẦU TƯ Ồ ẠT

Tầm nhìn của “Vision 2030” được công bố rầm rộ tại Saudi Arabia vào tháng 4/2016, hơn một năm sau khi quốc vương Salman lên ngôi và bổ nhiệm con trai là hoàng tử Mohammed làm chủ tịch PIF đồng thời điều hành một cơ quan phát triển kinh tế mới đầy quyền lực.

Sáng kiến này đặt ra một loạt mục tiêu lớn, bao gồm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng nguồn từ phi dầu mỏ thông qua việc thiết lập các ngành công nghiệp mới và thu hút mạnh đầu tư nước ngoài.

“Chúng ta quá nghiện dầu mỏ. Điều này thật nguy hiểm”, ông Mohammed phát biểu khi đó.

Ông giao nhiệm vụ cho PIF, dưới sự giám sát của thân tín Yasir al-Rumayyan, triển khai một loạt dự án trong nước nhằm thay đổi bộ mặt vương quốc, đồng thời tăng cường sự hiện diện của Saudi Arabia trên trường quốc tế.

Trong 18 tháng sau đó, PIF tự tuyên bố là một nhà đầu tư toàn cầu, với việc chi 3,7 tỷ USD mua cổ phần tại Uber, bơm 45 tỷ USD vào quỹ Vision Fund của SoftBank và cam kết rót 20 tỷ USD vào một quỹ hạ tầng của Blackstone.

Tại Saudi Arabia, ông Mohammed - người được phong làm thái tử vào năm 2017 - công bố dự án siêu đô thị có quy mô 500 tỷ USD nằm dọc bờ biển đỏ có tên Neom. Một loạt dự án quy mô lớn khác sau đó lần lượt được công bố trong lĩnh vực du lịch, thể thao, bất động sản và giải trí.

Trong một báo cáo tháng trước của Knight Frank, từ năm 2016 đến nay, Riyadh đã công bố các dự án bất động sản có tổng giá trị 1,3 nghìn tỷ USD và trao các hợp đồng trị giá 164 tỷ USD cho các nhà thầu trong lĩnh vực này.

PIF đã thành lập 93 công ty, từ công ty cà phê cho tới công ty cho vay thế chấp mua nhà, tái chế rác, game… nhằm tạo ra các ngành công nghiệp mới, đa dạng hóa nền kinh tế và đưa Saudi Arabia trở thành một trung tâm của khu vực.

Một mô hình dự án được trưng bày tại trụ sở Cơ quan Phát triển Diriyah Gate tại Saudi Arabia - Ảnh: Bloomberg
Một mô hình dự án được trưng bày tại trụ sở Cơ quan Phát triển Diriyah Gate tại Saudi Arabia - Ảnh: Bloomberg

Ngay từ những ngày đầu, Thái tử Mohammed đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi này với việc đặt ra các mục tiêu nghiêm ngặt cho các bộ trưởng, trưởng ngành và liên tục giám sát tiến độ. Ông là người trực tiếp điều hành hội đồng quản trị của tất cả các dự án lớn và một số công ty mà PIF đã thành lập.

Trong vài năm qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Saudi Arabia giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi sự tham gia của nữ giới trong lực lượng tăng vọt vượt mức mục tiêu 30% của năm 2030. Riyadh cũng đạt được mục tiêu đa dạng hóa nguồn thu khỏi dầu mỏ trong một số lĩnh vực, đặc biệt là du lịch và giải trí.

TINH CHỈNH ĐỂ THỰC TẾ HƠN

Tuy nhiên, dù xuất khẩu phi dầu mỏ tăng lên mức 24,2% GDP phi dầu mỏ, tỷ lệ này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức mục tiêu 50% của năm 2030, theo Capital Economics. Saudi Arabia cũng gặp khó khăn trong việc thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài theo mục tiêu, bất chấp nỗ lực nới lỏng các quy định và thu hút các công ty toàn cầu.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Saudi Arabia năm 2023 là 12,3 tỷ USD, kém xa mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2030 của Thái tử Mohammed.

Từ lâu, nhiều người dân Saudi Arabia bày tỏ hoài nghi về giá trị của các dự án khổng lồ trên và lo ngại rằng PIF đang đầu tư quá rủi ro, ở cả quê nhà lẫn nước ngoài bằng nguồn thu từ dầu mỏ.

“Ngày càng nhiều câu hỏi hoài nghi được đặt ra về lợi nhuận đầu tư của PIF, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu sụt giảm”, nguồn tin nội bộ của quỹ chia sẻ. “Chúng tôi hiện không thể thu về mức lợi nhuận như kỳ vọng do bản chất của các khoản đầu tư. Chúng tôi hiểu rằng trọng tâm của chính phủ là sự bền vững về mặt tài khóa, nhưng thực tế là nếu chúng tôi hãm đà đầu tư thì toàn bộ dự án Vision 2030 sẽ rơi vào trì trệ và không ai muốn vậy cả”.

Theo một giám đốc tại một công ty tư vấn làm việc với các cơ quan chính phủ Saudi Arabia, nhiều dự án thuộc Vision 2030 dự kiến sẽ không đạt tiến độ thời gian và ngân sách đề ra.

“Một nhu cầu quan trọng lúc này là phải tinh chỉnh lại mọi thứ. Tôi cho rằng điều này không liên quan tới việc giảm tham vọng, mà đơn giản là thực tế hơn và nhận thức được sự phức tạp của quá trình này”, vị giám đốc cho biết.

Đổ xô tới Saudi Arabia trong thập kỷ qua, các công ty tư vấn đang cảm nhận sự thay đổi rõ rệt nhất. Hầu hết các cơ quan chính phủ hay cơ quan có liên quan tới chính phủ đều sử dụng một đội ngũ cố vấn hùng hậu để vạch ra chiến lược thực hiện mục tiêu.

“Mọi người đều đang thắt chặt chi tiêu”, giám đốc một công ty tư vấn khác nhận xét và cho biết chi tiêu của Neom cho đội ngũ cố vấn đã giảm 20-30% trong 6 tháng qua.

Về mặt khách quan, các nhà kinh tế đồng tình rằng việc thay đổi tốc độ của Vision 2030 là cần thiết. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bày tỏ “hoan nghênh” hành động được mô tả là “phân tích không gian tài chính sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của các dự án và chiến lược theo ngành", cũng như "hiệu chỉnh lại chi tiêu đầu tư".

Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng cần phải làm rõ các ưu tiên của chính phủ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư. IMF cũng nhận xét Saudi Arabia đang đối mặt áp lực tài khóa do thặng dư tài khoản vãng lai được dự báo sẽ chuyển thành thâm hụt trong những năm tới. IMF cảnh báo rằng giá dầu giảm và nhập khẩu mạnh để hỗ trợ các dự án khổng lồ sẽ ảnh hưởng tới vị thế của vương quốc này.

Chính phủ Saudi Arabia dự báo thâm hụt sẽ tăng trong 3 năm tới, từ gần 22 tỷ USD năm 2025 lên 37 tỷ USD, tương đương 3% GDP, vào năm 2027 – theo số liệu mới nhất. Trong dự toán ngân sách tháng trước, Bộ Tài chính Saudi Arabia cho biết ngân sách năm 2025 sẽ giảm nhẹ so với mức chi tiêu ước tính của năm nay.

Nguồn thu phi dầu mỏ của Saudi Arabia đã tăng gấp đôi kể từ năm 2015 những chính phủ vẫn phụ thuộc vào dầu mỏ để có nguồn thu cho 2/3 ngân sách và chiếm hơn 70% thu xuất khẩu.

Tuy nhiên, với dự trữ ngoại hối khoảng 427 tỷ USD và tài sản mà PIF đang nắm giữ, cùng tỷ lệ nợ trên GDP được dự báo ở mức khoảng 27% năm nay, các nhà kinh tế cho rằng Riyadh vẫn có nền tảng để dựa vào trong trường hợp cần thiết. Từ đầu năm nay, Saudi Arabia là nền kinh tế mới nổi phát hành trái phiếu nhiều nhất thế giới, sau Trung Quốc, huy động được tổng cộng 44 tỷ USD.

“Trong ngắn hạn, Saudi Arabia có bảng cân đối kế toán khá mạnh. Vì vậy, kể cả khi giá dầu xuống mức thấp hơn, họ vẫn ứng phó được”.  “Nhưng nếu giá dầu giảm xuống 60 USD/thùng thì tình hình sẽ rất khác”, một nhà kinh tế vùng Vịnh nhận xét.

Giá dầu đã tăng lên mức 80 USD trong thời gian ngắn gần đây sau vụ tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel nhưng hiện neo quanh mức 70 USD/thùng. Theo ước tính của IMF, Saudi Arabia cần giá dầu thô ở mức 96 USD để cân bằng ngân sách.