11:44 05/08/2011

Giới đầu tư bán tháo, giá dầu lao dốc chóng mặt

An Huy

Giá dầu thô trên thị trường quốc tế sụt gần 6% trong phiên giao dịch ngày 4/8, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2011

Giới quan sát cho rằng, với những bất ổn hiện này mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt, nhu cầu sử dụng dầu sẽ suy giảm mạnh.
Giới quan sát cho rằng, với những bất ổn hiện này mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt, nhu cầu sử dụng dầu sẽ suy giảm mạnh.
Giá dầu thô trên thị trường quốc tế sụt gần 6% trong phiên giao dịch ngày 4/8, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2011. Giới đầu tư đang bán tháo dầu lửa với những lo ngại gia tăng về sự suy giảm tăng trưởng diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Đóng cửa phiên đêm qua tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 hạ 5,3 USD/thùng, tương đương mức giảm 5,8%, còn 86,63 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 5,98 USD/thùng, tương đương 5,3%, còn 107,25 USD/thùng.

Trong ba phiên vừa qua, giá dầu tại New York sụt hơn 8 USD/thùng. Đà lao dốc tiếp tục được duy trì sang sáng nay, với giá dầu ngọt nhẹ giao dịch điện tử tại New York giảm thêm gần 1 USD/thùng, còn khoảng 85,6 USD/thùng lúc hơn 11h trưa giờ Việt Nam.

Mức giảm giá mạnh hôm qua của dầu thô là kết quả của phiên giao dịch đỏ lửa trên thị trường chứng khoán toàn cầu cùng những lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế thế giới cũng như sự lan rộng của khủng hoảng nợ tại châu Âu. Giới quan sát cho rằng, với những bất ổn hiện này mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt, nhu cầu sử dụng dầu sẽ suy giảm mạnh.

Các chỉ số Dow Jones và S&P 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall trượt hơn 4%, trong khi chỉ số Nasdaq giảm tới 5%, đánh dấu phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008. Tính đến phiên hôm qua, chỉ số Dow Jones đã mất sạch thành quả tăng điểm từ đầu năm 2011.

Trong phiên sáng nay (5/8), thị trường chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng sụt giảm mạnh mẽ. Lúc 10h30 giờ Tokyo, chỉ số MSCI Asia Pacific Index của thị trường châu Á-Thái Bình Dương sụt 3,7%, chuẩn bị khép lại tuần giảm điểm tồi tệ nhất từ tháng 10/2008.

“Giá dầu đang đi xuống cùng những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế”, Giám đốc phụ trách mảng nghiệp năng lượng phái sinh và nghiên cứu thuộc Công ty Blue Ocean Brokerage ở New York, ông Carl Larry, phát biểu trên Wall Street Journal.

Phiên giảm giá hôm qua đã xóa sạch thành quả tăng từ đầu năm của giá dầu trên sàn NYMEX tại New York. Giá dầu bắt đầu năm 2011 ở mức 90 USD/thùng, tăng vọt lên gần 115 USD/thùng vào hồi tháng năm do những lo ngại về thắt chặt nguồn cung ở Trung Đông và nhu cầu tăng ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc, sau đó nhanh chóng suy giảm trở lại.

Trong mấy tuần gần đây, tâm điểm chú ý của thị trường dầu lửa thế giới đặt vào các nền kinh tế phát triển, khi mà quốc gia sử dụng nhiều dầu nhất thế giới là Mỹ đang phát đi nhiều tín hiệu về khả năng suy thoái lần hai, còn châu Âu thì tiếp tục đối mặt với nguy cơ lan rộng của khủng hoảng nợ.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Năm cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua không giảm như dự báo. Đêm nay, bộ này sẽ công bố số liệu thất nghiệp tháng 7 của Mỹ, một thống kê được cho là sẽ ảnh hưởng mạnh tới thị trường chứng khoán và hàng hóa cơ bản.

Theo thông lệ hàng năm, thời điểm này là mùa cao điểm tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ. Tuy nhiên, những báo cáo gần đây cho thấy, người dân Mỹ năm nay không còn lái xe nhiều như trong các mùa hè trước.

Một số yếu tố khác cũng gây bất lợi cho giá dầu ở thời điểm này. Nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới là Saudi Arabia đang thực hiện đúng lời hứa tăng sản lượng, với mức sản lượng đạt cao nhất kể từ thập niên 1980. Saudi Arabia tăng sản lượng ngay khi các nước phát triển mới đây mở kho dự trữ dầu chiến lược để hạ nhiệt giá năng lượng này.