08:39 14/09/2021

Giới khoa học kết luận: Chưa cần tiêm nhắc lại vaccine Covid-19

An Huy

Sau khi rà soát các dữ liệu khoa học đã có, các nhà khoa học đi đến kết luận rằng việc tiêm đại trà nhắc lại vaccine ngừa Covid-19 ở thời điểm này là chưa cần thiết...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Được thực hiện bởi một nhóm chuyên gia hàng đầu của Mỹ và thế giới, báo cáo này được công bố ngày 13/9 trên tạp chí The Lancet.

Kết luận của các nhà khoa học nói trên, bao gồm hai quan chức cấp cao của Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được đưa ra trong bối cảnh các nghiên cứu tiếp tục cho thấy các vaccine Covid đã được cấp phép ở Mỹ vẫn có hiệu quả cao trong việc chống lại nguy cơ nhiễm bệnh thể nặng, nhập viện và tử vong do biến chủng Delta.

Hiệu quả của vaccine chống lại nguy cơ mắc bệnh thể nhẹ có thể giảm theo thời gian, nhưng sự bảo vệ chống nguy cơ mắc bệnh thể nặng có thể duy trì - nhóm nhà khoa học kết luận. Họ nói rằng đó là bởi hệ miễn dịch của cơ thể có độ phức tạp cao và có những cơ chế bảo vệ khác ngoài kháng thể, nên giúp tránh được việc mắc Covid thể nặng.

“Bởi vậy, các bằng chứng hiện tại có vẻ như cho thấy rằng việc tiêm đại trà mũi nhắc lại là chưa phù hợp ở giai đoạn này của đại dịch. Sự bảo vệ của vaccine chống lại nguy cơ nhiễm bệnh nặng vẫn ở mức cao”, nhóm nhà khoa học viết.

Các nhà khoa học này thừa nhận rằng có thể sẽ đến lúc cần tiêm đại trà mũi nhắc lại nếu miễn dịch do vaccine tạo ra giảm sâu hơn hoặc một biến chủng mới của virus xuất hiện có khả năng kháng vaccine. Họ nói có một số rủi ro từ việc tiêm nhắc lại quá sớm, bao gồm nguy cơ tác dụng phụ như viêm cơ tim - một tác dụng phụ phổ biến hơn sau mũi tiêm thứ 2 vaccine mRNA.

“Nếu việc tiêm nhắc lại là chưa cần thiết mà lại gây ra phản ứng bất lợi, việc đó có thể ảnh hưởng đến sự chấp nhận vaccine, không chỉ vaccine Covid-19”, báo cáo viết.

Giá cổ phiếu của BioNTech, hãng công nghệ sinh học Đức là đối tác sản xuất vaccine Covid-19 của hãng dược Mỹ Pfizer, giảm hơn 5% trong phiên ngày 13/9. Giá cổ phiếu Pfizer giảm hơn 2,2%.

Đánh giá trên được các nhà khoa học đưa ra chỉ một tuần trước khi Chính phủ Mỹ dự kiến bắt đầu chiến dịch tiêm đại trà mũi nhắc lại vaccine Covid-19. Ngày thứ Sáu tuần này, một nhóm cố vấn của FDA sẽ thảo luận về các dữ liệu ủng hộ việc tiêm nhắc lại trên diện rộng.

Tháng trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden dẫn 3 nghiên cứu mới, do CDC Mỹ công bố, cho thấy sự bảo vệ của vaccine giảm sau vài tháng. Kế hoạch của ông Biden là tiêm mũi thứ ba sau ít nhất 8 tháng tiêm đủ 2 mũi vaccine Pfizer hoặc Moderna.

Nhiều nhà khoa học và chuyên gia y tế đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch trên, nói rằng dữ liệu mà giới chức y tế liên bang dựa vào để lên kế hoạch tiêm nhắc lại là không thuyết phục, rằng việc Chính phủ Mỹ quá vội vã khi đi đến quyết định về mũi tiêm này.

Pfizer cũng hứng chỉ trích vì bị cho rằng gây sức ép về mũi tiêm tăng cường. Hãng này và Moderna có thể kiếm hàng chục tỷ USD doanh thu từ mũi tiêm nhắc lại.

Pfizer/BioNTech và Moderna dự kiến đạt tổng doanh thu hơn 60 tỷ USD từ vaccine Covid-19 trong năm 2021 và 2022. Những hợp đồng đã ký kết bao gồm vaccine dành cho hai mũi tiêm đầu tiên, cộng thêm vaccine chuẩn bị cho khả năng tiêm mũi nhắc lại ở các nước giàu.

Dự báo về năm 2023, các nhà phân tích cho rằng Pfizer/BioNTech sẽ thu 6,6 tỷ USD và Moderna thu 7,6 tỷ USD từ bán vaccine Covid-19, mà chủ yếu là mũi tiêm nhắc lại. Sau đó, thị trường vaccine Covid-19 sẽ có doanh thu dao động quanh ngưỡng 5 tỷ USD mỗi năm hoặc hơn, và sẽ có thêm các hãng dược khác cạnh tranh.

Báo cáo vừa đăng trên The Lancet nói rằng việc tiêm nhắc lại có thể phù hợp với một số đối tượng, chẳng hạn những người bị suy giảm miễn dịch, những người đã được tiêm đủ 2 mũi nhưng không tạo đủ phản ứng miễn dịch.

Tháng trước, Mỹ đã phê chuẩn việc tiêm nhắc lại cho một số đối tượng, gồm bệnh nhân ung thư, HIV và ghép tạng.