Giữ đà hồi phục, kinh tế Trung Quốc đang là “đầu tàu” của thế giới
Kinh tế Trung Quốc gia tăng tốc độ hồi phục trong quý 3, nhưng mức tăng trưởng không đạt dự báo
Kinh tế Trung Quốc gia tăng tốc độ hồi phục trong quý 3, nhưng mức tăng trưởng không đạt dự báo. Số liệu công bố sáng 19/10 cho thấy nền kinh tế nước này tiếp tục đứng lên sau cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra, dù tiếp tục đối mặt không ít thách thức.
Năm nay, khi đại dịch hoành hành trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc đã giữ vai trò một trong những "đầu tàu" tăng trưởng hiếm hoi của kinh tế thế giới. Hãng tin Reuters dẫn báo cáo từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy nền kinh tế nước này tăng 4,9% trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, các chuyên gia được Reuters khảo sát đưa ra mức dự báo bình quân tăng 5,2%. Trong quý 2, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3,2%.
Cũng theo NBS, trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng 0,7% so với cùng kỳ 2019.
Giới hoạch định chính sách toàn cầu đang đặt hy vọng vào một sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc để kích thích nhu cầu, trong bối cảnh các nền kinh tế còn chật vật xoay sở với các biện pháp giãn cách xã hội và làn sóng nhiễm Covid-19 thứ hai. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới tăng trưởng trong 2020, với mức tăng 1,9%.
Quý 1 năm nay, kinh tế Trung Quốc sụt 6,8% do tác động nghiêm trọng của đại dịch. Sau cú sốc đó, nền kinh tế Trung Quốc nhanh chóng hồi phục. Nhiều số liệu gần đây cho thấy tiêu dùng ở nước này tăng trên diện rộng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu khởi sắc mạnh.
NBS cho biết sản lượng công nghiệp tháng 9 của Trung Quốc tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 5,6% trong tháng 8. Mức tăng 9 tháng đạt 1,2%.
Doanh thu bán lẻ tháng 9 tăng 3,3%, sau khi tăng 0,5% trong tháng 8. Trong quý 3, doanh thu bán lẻ tăng 0,9%, và 9 tháng đầu năm ghi nhận mức giảm 7,2%.
Đầu tư tài sản cố định tăng 0,8% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2019, sau khi giảm 0,3% trong 8 tháng đầu năm.
"Một trong những lý do khiến tăng trưởng GDP quý 3 của Trung Quốc không đạt dự báo có lẽ là xuất khẩu tăng mạnh - nhân tố gây suy giảm GDP", chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Liu Peiqian thuộc Natwest Markets nhận xét trên Bloomberg. "Điều này không thể coi là xấu, vì xuất khẩu tăng mạnh là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của nền kinh tế đang tốt lên".
Ông Chang Shu, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của Bloomberg cũng có cái nhìn lạc quan về kinh tế Trung Quốc. "Sự phục hồi kinh tế Trung Quốc đang duy trì. Tốc độ tăng trưởng quý 3 không đạt dự báo có thể do ngành dịch vụ vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhưng ngành sản xuất đã quay trở lại với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch".
Bắc Kinh từ đầu năm đến nay đã triển khai nhiều biện pháp trợ lực cho nền kinh tế, bao gồm tăng chi tiêu công, giảm thuế, hạ lãi suất cho vay và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong hệ thống ngân hàng. Đầu năm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã có một số động thái nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng gần đây không có thêm những bước đi tương tự. Chính phủ Trung Quốc cũng hạn chế vay nợ để hỗ trợ tăng trưởng, mà thay vào đó thực hiện các biện pháp có mục tiêu cụ thể, khác với việc bơm tiền ồ ạt như trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009".
"Trung Quốc đang hỗ trợ thế giới theo một cách khác so với những gì họ làm sau năm 2008", chuyên gia kinh tế trưởng của hãng thương mại điện tử JD.com, ông Shen Jianguang, phát biểu. "Một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đồng nghĩa với việc Trung Quốc khó có thêm một chương trình kích cầu lớn trong 2020. Thay vào đó, Trung Quốc làm công việc của mình bằng cách giữ vai trò ‘người cung cấp phương tiện cuối cùng’".
Phát biểu hôm 18/10 trong một hội thảo trực tuyến của quan chức ngân hàng trung ương nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G30), Thống đốc PBoC Dịch Cương nói Trung Quốc có "chính sách tài khóa tích cực, chủ động" và "chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế".
"Hiện tại, Trung Quốc về cơ bản đã kiểm soát được Covid-19", ông Dịch nói. "Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc vẫn vững vàng, với một tiềm năng tuyệt vời. Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục, mang lại lợi ích cho kinh tế toàn cầu".
Dựa trên số liệu của IMF, Bloomberg ước tính rằng đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tăng từ mức 26,8% trong năm 2021 lên mức 27,7% vào năm 2025.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích thận trọng cho rằng không rõ sự phục hồi này của kinh tế Trung Quốc sẽ kéo dài bao lâu, xét tới áp lực từ tỷ lệ thất nghiệp đi lên, nợ doanh nghiệp và nợ của các hộ gia đình gia tăng. Gần đây, China Evergrande Group, tập đoàn bất động sản lớn nhất thế giới, đã khiến giới đầu tư lo sợ về tình hình sức khỏe của tập đoàn.
Ngoài ra, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào việc quan hệ Trung-Mỹ sẽ diễn biến theo chiều hướng nào sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay. Bất kỳ sự gia tăng căng thẳng thương mại nào giữa hai nước cũng có thể dập tắt đà tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu và Mỹ sẽ gây trở ngại không nhỏ cho kinh tế toàn cầu, theo đó ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế Trung Quốc.