Giữ hình thức kỷ luật "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" với cán bộ hưu
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hình thức kỷ luật "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" áp dụng trong thời gian qua đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hình thức kỷ luật "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.
Chiều 25/11 với 88,2% phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Một trong những vấn đề được thảo luận với quan điểm rất khác nhau là quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về hình thức xử lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra để vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, nhưng bảo đảm tính nhân văn. Đại biểu khác đề nghị cân nhắc thay hình thức kỷ luật "xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" bằng hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách đang được hưởng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện.
Do đó, luật quy định nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.
Để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, trong dự thảo luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo đó, cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Về hình thức kỷ luật đối với cán bộ công chức nói chung, có ý kiến đề nghị luật quy định theo hướng công chức phạm tội hình sự thì đương nhiên bị thôi việc kể từ ngày bản án hoặc quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật. Ý kiến khác cho rằng cần cân nhắc vấn đề này, trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng do lỗi vô ý được hưởng án treo thì không bị buộc thôi việc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, quy định cán bộ, công chức phạm tội được hưởng án treo không thuộc trường hợp đương nhiên bị thôi việc là kế thừa quy định của Luật Cán bộ, công chức hiện hành thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và nhà nước.
Hơn nữa, pháp luật hiện hành đã quy định rõ điều kiện để một người được tòa án áp dụng hình thức án treo là người có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
Do đó, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua vẫn giữ quy định: cán bộ phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Đánh giá công chức theo quý, tháng là quá nhiều
Liên quan đến quy định về đánh giá công chức, ngoài đánh giá hàng năm như luật hiện hành, luật sửa đổi đã bổ sung quy định đánh giátheo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan.
Theo một số đại biểu thì quy định thời điểm đánh giá bắt buộc hằng năm, theo quý, tháng, tuần là quá nhiều.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, quy định như trên là thực hiện yêu cầu của nghị quyết Trung ương về việc thực hiện công tác đánh giá cán bộ thường xuyên.
Vì thế, bên cạnh việc kế thừa quy định về đánh giá "bắt buộc" định kỳ hằng năm, trước khi xét nâng ngạch, bổ nhiệm... như trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc đánh giá hằng quý, tháng hoặc theo tuần theo hướng mở.
Theo đó, giao quyền cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định thời điểm, hình thức đánh giá phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể.
Quy định như vậy nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm việc đánh giá được thực chất, phù hợp và cũng là tương thích với quy định của Đảng về đánh giá đảng viên và xử lý kịp thời những công chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.