09:00 14/04/2024

Gói tín dụng cho ngành lâm, thuỷ sản có thể được nâng lên tới 50.000 tỷ đồng

Nam Khánh

Đó là thông tin được ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại hội thảo “tín dụng hỗ trợ lâm, thuỷ sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD”…

Hội thảo “tín dụng hỗ trợ lâm, thuỷ sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD” được tổ chức tại Hải Phòng chiều 12/4
Hội thảo “tín dụng hỗ trợ lâm, thuỷ sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD” được tổ chức tại Hải Phòng chiều 12/4

Ngày 12/4, tại hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thuỷ sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỷ USD” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Báo Lao động tổ chức tại Hải Phòng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, cho biết gói tín dụng 30.000 tỷ cho ngành lâm, thuỷ sản có thể được nâng lên thành 50.000 tỷ đồng.

KỊP THỜI HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VƯỢT KHÓ

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho rằng ngân hàng này đã giải ngân theo cam kết đối với gói tín dụng 15.000 tỷ đồng. Đến 30/11/2023, Agribank đã giải ngân cho vay 3.000 tỷ đồng theo cam kết và hoàn thành triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Sau khi Ngân hàng nhà nước có văn bản về việc tiếp tục triển khai chương trình tín dụng, nâng quy mô cho vay lên 30.000 tỷ đồng, Agribank đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước và dự kiến tăng quy mô giải ngân theo chương trình cho vay lâm sản, thủy sản lên 8.000 tỷ đồng (chiếm gần 30% quy mô toàn ngành). Đến nay, doanh số cho vay triển khai từ đầu chương trình đã đạt gần 5.500 tỷ đồng, dư nợ đạt gần 5.000 tỷ đồng với hơn 3.300 lượt khách hàng vay vốn.

Agribank vẫn tiếp tục giải ngân cho vay lâm sản, thủy sản theo gói 30.000 tỷ đồng của NHNN, đồng thời tiếp tục triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi nội bộ nhằm khuyến khích phát triển đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và các lĩnh vực ưu tiên quan trọng (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư…). Ngoài ra, các khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng các tiêu chí đánh giá về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đãi ngắn hạn là 4% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Chính phủ đã có 2 nghị quyết hỗ trợ sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lâm, thuỷ sản với 74% dành cho ngành thuỷ sản đã tạo điểm nhấn tích cực, hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi của ngành này. Ngày 29/2, Ngân hàng Nhà nước đã nâng quy mô Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng thành 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, sẽ tạo ra cú hích để hỗ trợ cho các ngành này.

Ông Nam đề nghị 13 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho ngành lâm, thuỷ sản cần quán triệt mạnh mẽ tới toàn bộ các chi nhánh ngay khi tiếp nối triển khai chương trình. Các ngân hàng cần đơn giản, linh hoạt hơn về thủ tục, hồ sơ và điều kiện vay vốn để tỷ lệ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tăng lên ít nhất 50% tổng dư nợ, thay vì khoảng 27-28% như khi triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng để kích cầu tốt hơn.

GÓI TÍN DỤNG DÀNH CHO LÂM, THUỶ SẢN CÓ THỂ NÂNG LÊN 50.000 TỶ ĐỒNG

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, cho biết Ngân hàng Nhà nước luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, nhất là ngành lâm sản, thủy sản là lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này,  đã có 90 tổ chức tín dụng, gần 1.100 quỹ tín dụng nhân dân cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Đến cuối tháng 12/2023, quy mô tín dụng đã lên đến 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 11,56% so với 2022 và chiếm 24,29% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ ngành thuỷ sản đạt 236.624 tỷ đồng, tăng 12,26% (tôm đạt 59.772 tỷ đồng tăng gần 18%, cá tra đạt 38.322 tỷ đồng tăng 4%), chiếm gần 7,2% tổng dư nợ cho vay của lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Sau khi Chương trình tín dụng 15.000 tỷ được nâng thành 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17.500 tỷ đồng, đạt 58,3% tổng doanh số cam kết cho vay của Chương trình với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn. Đây là giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp 2 ngành hàng này vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vị trí trong top 6 hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết gói tín dụng cho ngành lâm, thuý sản có thể sẽ được nâng lên mức 50.000 tỷ đồng
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết gói tín dụng cho ngành lâm, thuý sản có thể sẽ được nâng lên mức 50.000 tỷ đồng

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, nhận định hội thảo đã đề cập đến những vướng mắc của vấn đề tín dụng đối với lâm, thuỷ sản. Ông Tú yêu cầu các ngân hàng cần có thông báo, hướng dẫn cụ thể về điều kiện cho vay đối với gói tín dụng này, đồng thời, các ngân hàng có quyền kéo dài thời hạn cho vay để tăng thêm hạn mức cho vay.

“Đây là gói tín dụng do Ngân hàng Nhà nước đề xuất được Thủ tướng ủng hộ, nếu giải ngân xong gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đề xuất gói tín dụng 45.000 tỷ đồng, thậm chí lên tới 50.000 tỷ đồng vì đây là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay”, ông Tú nói.