17:21 03/04/2024

Tín dụng xanh và trái phiếu xanh ngóng chờ một bộ tiêu chí

Ánh Tuyết

Hiện dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế trong khi phát hành trái phiếu xanh mới khoảng 1 tỷ USD. Nhiều ý kiến cho rằng việc chậm trễ ban hành danh mục phân loại xanh và bộ tiêu chí đi kèm đang làm đình trệ sự phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh ở Việt Nam...

Tín dụng xanh, trái phiếu xanh có nhiều dư địa để phát triển nhưng nhiều trở ngại lớn khiến quy mô thị trường rất khiêm tốn.
Tín dụng xanh, trái phiếu xanh có nhiều dư địa để phát triển nhưng nhiều trở ngại lớn khiến quy mô thị trường rất khiêm tốn.

Ngày 3/4, Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách" nhằm góp phần khơi thông, tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

TÍN DỤNG XANH MỚI CHIẾM TỶ TRỌNG 4,5% TỔNG TÍN DỤNG

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư, chuyển đổi xanh đi kèm phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là chủ trương lớn. Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ  đưa ra cam kết mạnh mẽ Việt Nam phát thải ròng về "0" vào năm 2050, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Để đạt mục tiêu này, theo ước tính, Việt Nam sẽ cần khoảng 368 - 380 tỷ USD cho cả giai đoạn, tương đương 6,8% GDP mỗi năm cho đến năm 2040 để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, tín dụng xanh, trái phiếu xanh chiếm vị trí rất to lớn. 

"Dù được đánh giá cao về tiềm năng song thực trạng phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều trở ngại, ách tắc, đòi hỏi quyết tâm lớn ở tất cả các cấp, cũng như sự chung tay phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan", ông Tuấn nhấn mạnh.

Khái quát bức tranh tín dụng xanh thời gian qua, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong 7 năm qua (2017-2023), dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.
 

"Số lượng tổ chức tín dụng tham gia tăng trưởng rõ rệt, thời điểm 2017 thống kê chỉ có khoảng 15 tổ chức tín dụng báo cáo cấp tín dụng xanh theo 12 ngành xanh. Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế".

Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước.

Theo bà Tùng, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư cho các ngành/lĩnh vực xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các tổ chức tín dụng chủ động thích ứng với sự chuyển đổi của nền kinh tế và nhu cầu về vốn để thực hiện các dự án, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Theo đó, từ năm 2019-2020 xu hướng rót vốn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo ngày càng mạnh mẽ, đẩy tỷ trọng cấp tín dụng xanh cho ngành này lên 45%, theo sau là nông nghiệp xanh gần 30%.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn nhiều dư địa để phát triển, dù vậy, một trở ngại lớn là chưa có danh mục phân loại xanh làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh.

Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phân tích danh mục mà Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức như GIZ ban hành năm 2017 mới giới hạn 12 ngành xanh, thế nhưng, danh mục này chưa cập nhật sự thay đổi của các ngành. Nếu có danh mục phân loại xanh quốc gia thì tỷ trọng cho vay ngành ngân hàng lớn hơn nhiều và làm cơ sở cho các bộ, ngành khác cấp phép cho chủ đầu tư các dự án xanh.

"Hơn nữa, nhu cầu vốn cho các dự án lớn, thời gian cấp tín dụng dài trong khi các tổ chức tín dụng huy động nguồn vốn ngắn hạn nhiều hơn. Do đó, các tổ chức tín dụng gặp nhiều áp lực trong việc đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định", bà Tùng nói.

Về thị trường trái phiếu xanh, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết sự phát triển tương đối khiêm tốn, chủ yếu doanh nghiệp lớn như Masan, Vingroup, còn BIDV mới phát hành thành công 2.500 tỷ đồng đáp ứng tiêu chí quốc tế, Moody's định hạng và được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm. 

"Dù phát triển tích cực hơn trong những năm gần đây nhưng quy mô phát hành khoảng 1 tỷ USD rất khiêm tốn so với nhu cầu và quy mô thị trường tài chính trung và dài hạn của Việt Nam", ông Lực nhìn nhận.

NHIỀU BÀI TOÁN NAN GIẢI

Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên & Môi trường được giao làm đầu mối, cùng các bộ, ngành xây dựng Danh mục phân loại xanh, trình Chính phủ ban hành trước 31/12/2022. Tuy nhiên, tới nay bộ tiêu chí này vẫn chưa được ban hành.

Các đại biểu tại hội thảo đều đồng thuận rằng đây là công việc không hề dễ dàng, không chỉ bởi khối lượng thông tin phải xử lý là rất lớn. Việc ban hành quy tắc để doanh nghiệp dễ tiếp cận, mang tính khuyến khích, vừa đủ chặt chẽ để tránh “tẩy xanh" cũng là bài toán đau đầu mà nhà quản lý cần giải quyết.

Bộ Danh mục phân loại xanh chưa được ban hành khiến dòng vốn tắc nghẽn. Ảnh: Trâm Anh
Bộ Danh mục phân loại xanh chưa được ban hành khiến dòng vốn tắc nghẽn. Ảnh: Trâm Anh

Bên cạnh đó, trong Dự thảo Danh mục phân loại xanh, một chủ đề nhận được sự quan tâm lớn là quy định về tổ chức có chức năng xác nhận xanh.

Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng một cơ quan nhà nước có thể đứng ra xác nhận nhưng lại làm tăng thủ tục hành chính.

"Do đó, có quan điểm để đơn vị kiểm toán đứng ra xác nhận; tuy nhiên, phương án này cũng vấp phải nhiều ý kiến chưa đồng thuận, đặc biệt trong trường hợp sử dụng nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước thì việc giao đơn vị kiểm toán cấp phép chưa đạt độ tin tưởng", ông Thọ cho biết.

Vì vậy, phương án Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất để trực tiếp các tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh sẽ căn cứ vào bộ chỉ số, Danh mục phân loại xanh của Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng để xác định dự án có đạt yêu cầu về xanh hay không.

 

Việc Danh mục phân loại xanh tới nay vẫn chưa được ban hành là một trong những điểm nghẽn chính đối với phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh ở Việt Nam.

(Ý kiến chuyên gia tại hội thảo)

Theo bà Nguyễn Thiên Hương, Phụ trách chương trình Tư vấn phát triển ngân hàng bền vững, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), mô hình đánh giá độc lập được đề xuất và khuyến nghị bởi phần lớn các quốc gia, với 86% trái phiếu xanh phát hành vào năm 2019 được đánh giá độc lập.

Đại diện IFC cho rằng tại Việt Nam, tổ chức kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (chứng nhận sản phẩm, hệ thống quản lý) cũng như tổ chức đang cung cấp dịch vụ bảo đảm (assurance) khá phù hợp cho dịch vụ xác nhận các khía cạnh về môi trường, quản lý môi trường & xã hội và xác nhận dự án xanh.

Tuy nhiên, để các tổ chức này cung cấp các đánh giá độc lập thì cần bổ sung thêm các yếu tố năng lực liên quan đến tài chính, chuyên môn.

Cũng tại hội thảo, các diễn giả đã cùng bàn luận về nhiều nội dung quan trọng khác, như phát triển thị trường cổ phiếu xanh, áp dụng tiêu chuẩn ESG (Môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp), ưu đãi nhóm doanh nghiệp, dự án chuyển từ nâu sang xanh...