16:38 26/11/2009

Goldman Sachs: Tăng lãi suất cơ bản tại Việt Nam là cần thiết

Mai Phương

Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ nhận định về các biện pháp can thiệp thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Trụ sở của Goldman Sachs ở New York (Mỹ) - Ảnh: Reuters.
Trụ sở của Goldman Sachs ở New York (Mỹ) - Ảnh: Reuters.
Ngày 25/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố một số biện pháp can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ. Cùng ngày, ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đã công bố một báo cáo tỏ thái độ hoan nghênh về các động thái này.

Theo các quyết định mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra ngày 25/11, lãi suất cơ bản được tăng từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất chiết khấu tăng từ 5%/năm lên 6%/năm, thời điểm áp dụng là 1/12/2009.

Cùng với đó, mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 26/11/2009 là 17.961 (tăng từ mốc 17.034 VND của ngày 25/11) và áp dụng biên độ tỷ giá mới cho giao dịch mua bán giao ngay giữa USD và VND là ± 3% từ ngày 26/11/2009. Trước thời điểm này, biên độ tỷ giá USD/VND được áp dụng ở mức ± 5%.

Báo cáo của Goldman Sachs đã đưa ra ba nhận định chính về các động thái trên.

Thứ nhất, họ cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản là một việc làm cần thiết, giúp kiểm soát những rủi ro về tăng trưởng nóng và lạm phát đang nổi lên trong nền kinh tế.

Chuyên gia của Goldman Sachs nhận định, dù các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn đang bàn tới vấn đề sự phục hồi kinh tế có bền vững hay không, nhưng việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản là một bằng chứng cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang cảnh giác với những rủi ro về tăng trưởng nóng và lạm phát, đồng thời quyết tâm có những phản ứng chính sách phù hợp với thực tế.

Mặt khác, việc tăng lãi suất cơ bản cũng nhằm tăng sức hấp dẫn của đồng VND, theo đó giúp làm bình ổn tỷ giá hối đoái.

Thứ hai, việc Việt Nam tăng mạnh tỷ giá USD/VND liên ngân hàng được Goldman cho là xuất phát từ thâm hụt cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối.

Thứ ba, về việc co hẹp biên độ tỷ giá USD/VND, báo cáo của Goldman nhận định, đây là một phần trong nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhằm làm chậm sự trượt giá của VND so với USD, bằng cách cùng lúc vừa nâng mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, vừa co hẹp biên độ giao dịch.

Ngoài ra, Goldman Sachs cũng cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam tác động để các doanh nghiệp quốc doanh chuyển nguồn ngoại tệ thu về từ xuất khẩu vào Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp cơ quan này có khả năng tốt hơn trong việc bảo vệ đồng nội tệ trước nguy cơ trượt giá.