Hà Nội: Các trường đã sẵn sàng đón học sinh đến trường, chào năm học mới
Thời điểm này, các trường học ở Thủ đô Hà Nội đều đã sẵn sàng đón học sinh đến trường, chào năm học mới 2022-2023...
Ghi nhận tại một số trường trên địa bàn quận Long Biên những ngày qua, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được thực hiện khẩn trương.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, năm học mới 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo quận sẽ phấn đấu được nhận Cờ thi đua xuất sắc của thành phố, đồng thời, duy trì chất lượng phổ cập giáo dục - xóa mù chữ ở mức độ cao nhất. Đảm bảo 100% trẻ mầm non 5 tuổi được ra lớp và học 2 buổi/ngày, tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp (dưới 3 tuổi) đạt 59%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi ra lớp đạt 100%...
Còn tại huyện Quốc Oai, đến thời điểm này các trường trên địa bàn đều tích cực chuẩn bị cho lễ khai giảng. Năm học 2022-2023, huyện Quốc Oai có 84 trường mầm non và phổ thông với 1.700 lớp và trên 56.000 học sinh. Ngay từ đầu tháng 8, nhiều cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn huyện đã huy động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên kết hợp với phụ huynh học sinh tổng vệ sinh trường học; dọn cỏ và cắt tỉa lại hệ thống cây xanh, cây cảnh; chỉnh trang lại hệ thống bảng biểu; thuê mướn quét vôi ve.
Công tác tập luyện chuẩn bị cho lễ khai giảng cũng được chú trọng nhưng đảm bảo đơn giản, trang nghiêm, không quá chú trọng hình thức, làm sao để tạo khí thế vui tươi, phấn khởi cho thầy và trò bước vào năm học mới.
Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai cho biết năm học 2022-2023, huyện Quốc Oai sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng đại trà, tiếp tục giữ vững chất lượng mũi nhọn với một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số.
Với quận Thanh Xuân, để chuẩn bị cho năm học mới, quận đã hoàn thành xong việc sắp xếp, ký hợp đồng giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn về trình độ đào tạo, khắc phục khó khăn do thiếu giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học cấp Tiểu học, giáo viên dạy các môn “tích hợp” cấp THCS; phân lớp và phân công chuyên môn cán bộ, giáo viên.
Đồng thời bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy học (đặc biệt là đối với lớp 3, lớp 7 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018). Thông tin rộng rãi đến học sinh và cha mẹ học sinh về biên chế lớp học, kế hoạch dạy học và các chương trình giáo dục của nhà trường; đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục học sinh.
UBND quận Thanh Xuân cho biết về việc tổ chức Lễ khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023, 79/79 trường học thuộc quận đã hoàn thành tổng vệ sinh, chỉnh trang cơ sở vật chất trường, lớp; rà soát trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; bổ sung giàn hoa, cây cảnh bảo đảm môi trường sư phạm sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; tổ chức tuyên truyền về Kế hoạch tổ chức Lễ khai giảng để cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh biết và thực hiện.
Được biết, năm học 2022-2023, Hà Nội dự kiến hỗ trợ học phí cho một số đối tượng cấp học mầm non và học sinh phổ thông. Cụ thể tại hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của TP. Hà Nội, năm học 2022-2023 vào sáng 31/8, đa số các đại biểu đều thống nhất việc ban hành Nghị quyết là cần thiết.
Đại biểu Bùi Thị An, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế cho rằng hiện nay, các chế độ hỗ trợ cho nhiều đối tượng tùy giai đoạn chưa thể phủ khắp mọi đối tượng đáp ứng được mong muốn của tất cả phụ huynh, vì vậy còn một số em ở vùng núi, vùng sâu, xa… phải đóng 100% học phí nên gặp khó khăn. Để đảm bảo 100% các em có đầy đủ điều kiện đến trường, đảm bảo phổ cập giáo dục phổ thông thì việc ban hành Nghị quyết là vô cùng cấp thiết.
Ngoài ra, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, kiến nghị bổ sung thêm đối tượng là con em của công nhân các khu công nghiệp; của nhân dân, người lao động về định cư tại Hà Nội (diện không có hộ khẩu thường trú); con các cán bộ, chiến sỹ đang công tác ngoài biên giới, hải đảo; con em có bố, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo hoặc chịu ảnh hưởng hậu Covid-19 mất khả năng lao động…