10:25 24/03/2011

Hà Nội có thể mạnh tay chi cho bình ổn giá

Y Nhung

476 tỷ đồng là số tiền được Sở Công Thương đề nghị UBND thành phố Hà Nội thông qua để phục vụ bình ổn giá trong năm 2011

Tham gia chương trình bình ổn giá, doanh nghiệp sẽ phải bán các hàng hoá thuộc diện bình ổn thấp hơn giá thị trường khi có biến động khoảng 10%.
Tham gia chương trình bình ổn giá, doanh nghiệp sẽ phải bán các hàng hoá thuộc diện bình ổn thấp hơn giá thị trường khi có biến động khoảng 10%.
476 tỷ đồng là số tiền được Sở Công Thương đề nghị UBND thành phố Hà Nội thông qua để phục vụ bình ổn giá trong năm 2011.

Theo bản dự thảo của Sở Công Thương Hà Nội thì trong năm 2011, số tiền dành cho việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu như: gạo, dầu ăn, rau củ, thịt, trứng… dự kiến là 476 tỷ đồng, tăng 76 tỷ đồng so với năm 2010.

“Con số này được tính toán chủ yếu dựa vào sự tăng giá của các loại hàng hoá so với năm trước”, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công Thương, giải thích.

Sở Công Thương cũng đề nghị số tiền này cần được giải ngân bắt đầu từ ngày 1/6, sớm hơn một tháng so với việc triển khai trong năm 2010, nhưng việc thu hồi vẫn diễn ra vào ngày 31/3 như hàng năm.

Năm nay, ngoài 9 nhóm mặt hàng thuộc diện bình ổn giá đã được triển khai từ những năm trước, Sở Công Thương Hà Nội còn đề nghị đưa thêm giấy vở học sinh vào để giảm bớt gánh nặng cho các gia đình có con em trong độ tuổi đi học khi khai trường.

Về phía các doanh nghiệp tham gia chương trình, khi giá bán trên thị trường của các hàng hoá thuộc diện bình ổn có sự biến động về giá liên tục trong 15 ngày, với mức tăng 15% thì chỉ cần có văn bản nghị điều chỉnh giá bán lên liên sở Tài chính, Công Thương. Khi các cơ quan này đồng ý sẽ được áp dụng ngay theo giá bán mới.

Ngoài ra, vị lãnh đạo Sở Công Thương cũng xin ý kiến về việc có một số doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô, tuy không nhận vốn hỗ trợ từ thành phố Hà Nội, nhưng vẫn muốn được gắn biển tham gia chương trình, và cam kết thực hiện theo đúng các quy định trong việc bình ổn giá.

Đại diện cho Sở Tài chính Hà Nội, bà Vương Thu Hằng, Trưởng ban Giá cho biết, Sở Tài chính hoàn toàn có thể thu xếp được số vốn theo đề nghị của Sở Công Thương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc bình ổn giá thời gian tới, cần phải có các quy định cụ thể hơn đối với các doanh nghiệp như phải đăng ký số lượng hàng hoá thuộc diện bình ổn được bày bán tại các điểm, để tránh tình trạng doanh nghiệp đăng ký bình ổn đối với nhiều mặt hàng, nhưng tại mỗi điểm chỉ áp dụng đối với một số mặt hàng.

Hay như khi không bán theo giá cam kết các doanh nghiệp sẽ bị xử phạt như thế nào vì theo quy định hiện hành, phải bán cao hơn giá đăng ký 20% doanh nghiệp mới vị xử lý.