Hà Nội đã hỗ trợ hơn 716 tỷ đồng cho 2,3 triệu người khó khăn vì Covid-19
Đến cuối ngày 26/8, Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ cho khoảng 2,3 triệu lượt người dân, người lao động trên địa bàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tổng kinh phí hơn 716 tỷ đồng…
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ (gói 26.000 tỷ đồng) và chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Trong đó, về gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, theo thống kê đến cuối ngày 26/8, toàn thành phố có gần 1,57 triệu người có quyết định thụ hưởng, với kinh phí gần 292 tỷ đồng. Đến nay, đã chi hỗ trợ gần 252 tỷ đồng.
Toàn thành phố có gần 1,48 triệu người hưởng chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng kinh phí hơn 101 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã có gần 3.900 người được thụ hưởng, với số tiền hơn 28 tỷ đồng.
Với chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, có hơn 5.600 lao động thụ hưởng với kinh phí hơn 22 tỷ đồng.
Riêng nhóm lao động tự do có gần 72.000 người có quyết định hỗ trợ với số tiền gần 108 tỷ đồng, trong đó có hơn 52.000 người đã nhận tiền, với số tiền hơn 78 tỷ đồng...
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến thời điểm này, thành phố đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 9/12 nhóm chính sách hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ. Còn 3 nhóm chưa có kết quả phê duyệt hỗ trợ do chưa nhận được hồ sơ của đối tượng đề nghị hỗ trợ.
Cụ thể là nhóm chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật.
Đối với chính sách hỗ trợ đặc thù theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ cho 282.552 đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền hơn 282,5 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã chi trả cho 282.002 người, hộ gia đình với số tiền hơn 282 tỷ đồng.
Các nhóm đối tượng khác đang được rà soát bao gồm: người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục các cấp có ký hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở tạm dừng hoạt động; hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên...
Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận tổ quốc từ thành phố tới cơ sở và các ngành, đoàn thể, địa phương đã hỗ trợ cho gần 437.000 lượt người, hộ gia đình với số tiền 138 tỷ đồng.
Thông qua các chính sách chung và đặc thù, đến thời điểm này, Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ về nguồn lực, chính sách an sinh xã hội cho khoảng 2,3 triệu lượt người dân, người lao động trên địa bàn. Tổng kinh phí TP.Hà Nội đã hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 716 tỷ đồng; trong đó, kinh phí từ ngân sách là hơn 574 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hóa là gần 142 tỷ đồng.
Liên quan đến vướng mắc đối với hỗ trợ nhóm lao động tự do, cũng trong ngày 26/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có hướng dẫn tiếp tục tháo gỡ.
Theo đó, đối với người lao động tự làm và làm việc tại các hộ kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh theo quy định, Sở đề nghị các đơn vị xét duyệt cho họ, nếu đây là công việc đem lại nguồn thu nhập chính, mà bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, các đối tượng này phải đáp ứng đúng quy định tại Điều 5 của Quyết định số 3642/QĐ-UBND.
Cụ thể, Điều 5 của Quyết định số 3642 của UBND TP.Hà Nội quy định, đối tượng lao động được hỗ trợ là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của thành phố.
Người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền (trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng). Điều kiện hỗ trợ là người lao động phải cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố, bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.
Về nhóm lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội; người lao động làm việc có ký kết hợp đồng lao động, nhưng không tham gia bảo hiểm xã hội trong các hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, Sở đã có văn bản báo cáo ủy ban nhân dân thành phố để trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ với đối tượng này nhằm thống nhất áp dụng trên toàn quốc.
Đối với các trường hợp chưa đủ thời gian cư trú hợp pháp, người lao động tự do ngoại tỉnh được xem xét hỗ trợ theo quy định nếu đáp ứng đúng quy định tại Điều 5 của Quyết định số 3642/QĐ-UBND.