16:40 27/10/2021

Hà Nội dự kiến lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô, “hoá giải” ùn tắc giao thông

Anh Tú

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cùng với đơn vị tư vấn là trường Đại học Giao thông vận tải vừa xây dựng xong phương án lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô. Thời gian thu phí từ 5h đến 21h mỗi ngày...

Ùn tắc giao thông ở Hà Nội vẫn là “vấn nạn” chưa có lời giải.
Ùn tắc giao thông ở Hà Nội vẫn là “vấn nạn” chưa có lời giải.

Theo Đề án quản lý xe cá nhân, đến năm 2030, Thủ đô sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành. Bên cạnh đó, do số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên việc đưa ra phương án thu phí vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm là rất cần thiết.

Hiện phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội tăng lên 6,4 triệu phương tiện, trong đó, ô tô là 0,6 triệu xe, xe máy là 5,6 triệu xe.

 
Trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành. Trong đó, có các vị trí như: nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công...

Theo phương án được đơn vị tư vấn lập danh sách, hầu hết các vị trí lập trạm thu phí này nằm ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố.

Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường Vành đai 3 đã được khép kín, bao gồm các tuyến đường, cầu gồm Vành đai 3 (dưới thấp) - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.

Thời gian đơn vị tư vấn đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, khung giờ từ 5 đến 21 giờ, trong đó, có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.

Về lộ trình triển khai, đơn vị tư vấn đề án cho biết, có ba giai đoạn.

Thứ nhất, từ năm 2021 – 2025, nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí.

Thứ hai, từ năm 2025 – 2030, xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Thứ ba, từ năm 2030 trở đi, xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, Hà Nội đặt mục tiêu mỗi năm xóa 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế các điểm phát sinh mới.

Theo đó, những năm qua, cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp như tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, điều chỉnh, tổ chức giao thông phù hợp với điều kiện hạ tầng và lưu lượng phương tiện tại từng thời điểm nhằm tối ưu hóa khả năng thông qua; cấm xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trên một số tuyến đường vào giờ cao điểm...