06:00 15/08/2021

Hà Nội gỡ khó thủ tục hỗ trợ lao động tự do mất việc làm

Nhật Dương

Việc tiếp nhận hồ sơ người lao động tự do được thực hiện bằng nhiều hình thức, và linh hoạt trong giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo quy định, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) trên địa bàn Hà Nội đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ an sinh xã hội dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải có đơn “Đề nghị hỗ trợ”.

Nội dung gồm: các thông tin về người lao động (họ tên, nơi ở hiện tại, nơi thường trú, tạm trú...) và thông tin về tình trạng việc làm hiện nay. Sau đó, gửi ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú hợp pháp (thường trú hoặc tạm trú).

Trường hợp người lao động hiện đăng ký tạm trú ở nơi khác địa chỉ thường trú, muốn đề nghị hỗ trợ tại nơi đăng ký tạm trú, thì phải về quê, nơi thường trú để xin xác nhận nếu thụ hưởng tại nơi tạm trú và ngược lại. Giấy này do ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người lao động đăng ký thường trú hoặc tạm trú xác nhận cho người lao động. 

Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ cho lao động tự do, người lao động gặp vướng mắc trong việc xin giấy xác nhận “không đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ” tại nơi thường trú hoặc tạm trú.

Bên cạnh đó, do thành phố đang giãn cách xã hội nên người lao động cũng chưa thể đi làm hồ sơ, có không ít trường hợp đang cách ly y tế, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Trước thực tế này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có chỉ đạo về việc tháo gỡ khó khăn trong việc xác nhận để hưởng chế độ hỗ trợ người lao động tự do bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thị trấn, các đơn vị có liên quan tổ chức tiếp nhận hồ sơ người lao động bằng nhiều hình thức như: trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến....Đồng thời linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Việc gửi thông tin người lao động đã được nhận hỗ trợ đến nơi người lao động đăng ký thường trú/tạm trú cũng cần được triển khai bằng các hình thức linh hoạt (qua email, hòm thư công vụ, bưu điện...).

Trước đó, theo quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hà Nội, thành phố thống nhất chi hỗ trợ nhóm lao động tự do cư trú hợp pháp trên địa bàn, bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 - 31/12/2021.

Mức hỗ trợ cho nhóm này là 1,5 triệu đồng/người/lần theo hình thức chi trả trực tiếp.

Nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được hỗ trợ gồm: lao động làm thuê trong quán karaoke, vũ trường, quán bar, quán game, quán ăn, quán bia, quán cà phê, quán nước vỉa hè; lao động bán hàng rong, bán hàng tại chợ cóc, chợ tạm; lao động làm thuê cho cửa hàng cắt tóc, gội đầu; lao động thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe mô tô 2 bánh, xe xích lô…

Theo ông Lê Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, tính đến ngày 12/8, toàn thành phố đã duyệt chi kinh phí hỗ trợ hơn 152 tỉ đồng và thực hiện chi trả trên 143 tỉ đồng cho lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.