17:29 09/08/2021

Hà Nội: Học sinh lớp 1 và 2 không phải kiểm tra trực tuyến cuối năm học

Thanh Xuân

Các trường tiểu học trên địa bàn nếu chưa hoàn thành việc kiểm tra đánh giá định kỳ các môn học cuối học kỳ 2 và không đủ điều kiện kiểm tra trực tuyến thì được vận dụng các quy định về đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thành việc đánh giá, xếp loại học sinh...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có công văn số 2811/SGDĐT-GDPT về việc hướng dẫn kết thúc năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học trên địa bàn  Hà Nội nhằm thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 3319/BGDĐT-GDTH ngày 6/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

CÓ THỂ DÙNG KẾT QUẢ HỌC KỲ I, GIỮA HỌC KỲ 2 ĐỂ ĐÁNH GIÁ

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn quản lý, nếu chưa hoàn thành việc kiểm tra đánh giá định kỳ các môn học cuối học kỳ 2 và không đủ điều kiện kiểm tra trực tuyến theo quy định thì được vận dụng các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh tiểu học để hoàn thành việc đánh giá, xếp loại học sinh.

Giáo viên có thể dựa vào kết quả học kỳ 1, kết quả giữa kỳ 2 và kết quả đánh giá thường xuyên để khẳng định kết quả năm học 2020 - 2021 đối với học sinh lớp 1, lớp 2 thay vì tổ chức kiểm tra định kỳ. Như vậy, học sinh lớp 1, lớp 2 ở Hà Nội sẽ không phải làm bài kiểm tra học kỳ 2 năm học vừa qua dưới bất kỳ hình thức nào, dù trực tiếp hay trực tuyến.

Quyết định này của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã nhận được sự đồng tình từ phía nhà trường và cha mẹ, học sinh.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, cho biết: “Phòng đã chỉ đạo các trường triển khai thi cuối kỳ với khối 5 trước để hoàn thành hồ sơ cho học sinh nhập học vào lớp 6. Sau đó sẽ tiếp tục triển khai khối 3, 4. Chúng tôi cũng yêu cầu các trường xây dựng dự kiến kế hoạch kiểm tra cuối năm học lớp 3, 4 và đánh giá, xếp loại học sinh lớp 1, 2 theo phương án giao quyền cho giáo viên dựa vào kết quả học kỳ I, kết quả giữa kỳ II, kết quả đánh giá thường xuyên… và báo cáo về Phòng Giáo dục-Đào tạo trước khi triển khai thực hiện".

Là một trường nằm trên địa bàn Thủ đô, cô Ngô Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Nhật Duật tại địa chỉ số 2 Chợ Gạo, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nêu quan điểm: “Đây là chủ trương được lãnh đạo cấp trên đưa ra khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Là một đơn vị cấp dưới, nhà trường có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên”.

 TĂNG CƯỜNG KỸ NĂNG QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC DẠY HỌC TRỰC TUYẾN

Hiểu được ý nghĩa quan trọng của việc dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ông Thuận cho biết, từ ngày 6 - 16/8, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã tổ chức tập huấn tăng cường kỹ năng quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến năm học 2021-2022. Tham gia tập huấn là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hỗ trợ trực tiếp công tác chuyên môn ở các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận thông qua phần mềm Zoom.

Chia sẻ về chương trình tập huấn, ông Thuận thông tin thêm: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường ở Hà Nội có một thời gian khá dài chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang dạy - học trực tuyến. Làm việc trực tuyến và dạy - học trực tuyến đòi hỏi cán bộ quản lý và giáo viên, học sinh phải nhanh chóng tiếp cận và học hỏi để có thể sử dụng thành thạo các thiết bị và phần mềm phục vụ.

Điều này giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong lao động, học tập cũng như trong cuộc sống, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục”.

Lo lắng trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, cô Ngô Ngọc Anh cho biết: “Trong năm học tới đây, nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện đầy đủ những chỉ đạo của cấp trên, tuân thủ nghiêm túc khung thời gian đã quy định. Trường hợp dịch bệnh được ngăn chặn, các con sẽ tới trường học trực tiếp. Nếu tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, các con sẽ tiếp tục học theo hình thức trực tuyến.

Đối với phương án này, nhà trường đã tạo điều kiện để các thầy cô giáo được hướng dẫn tìm hiểu thêm về công nghệ thông tin, cách sử dụng các phần mềm học trực tuyến cho hiệu quả. Ngoài ra, cũng yêu cầu các thầy cô giáo chuẩn bị giáo án chu đáo, sinh động bài giảng, minh họa cụ thể phù hợp với hình thức này".

Về cơ sở vật chất, nhà trường đã trang bị sẵn sàng cho việc truyền đạt kiến thức thực hiện hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo Trường Trần Nhật Duật cũng lên kế hoạch hướng dẫn cho các con quen dần với thao tác học tập làm việc theo nhóm. Giáo viên có thể vào mỗi phòng nhóm để trao đổi, tham gia cùng các con. Việc “vừa học vừa chơi” sẽ giúp các con được giao lưu với nhau và tăng hiệu quả bài học.

Tuy nhiên, cô Ngọc Anh cho biết, cái khó nhất trong việc triển khai học trực tuyến với nhóm học sinh lớp 1 và lớp 2 là các con còn nhỏ, chưa thể tự sử dụng máy tính. Để buổi học đạt hiệu quả đòi hỏi phải có phụ huynh trợ giúp.

Ngoài ra, theo cô Ngọc Anh, với lứa tuổi mới vào lớp 1, học sinh còn non nớt, đang chuyển từ hoạt động chủ yếu vui chơi sang học tập nên rất cần sự uốn nắn trực tiếp của cô giáo để hình thành các kỹ năng ban đầu định hình cho việc học tập sau này. Vì vậy, việc phải học trực tuyến ngay từ khi mới vào năm học sẽ rất khó khăn và không đạt hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên bằng tình yêu nghề, các thầy cô giáo sẽ mang hết tâm huyết để dìu dắt các con, cùng các con vượt qua khó khăn thời dịch bệnh.