Hà Nội: Hơn 116.000 lao động được giải quyết việc làm trong 9 tháng
Theo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 9 tháng năm 2021, thành phố đã giải quyết việc làm cho 116.100 lao động, đạt 72,5% kế hoạch năm, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020…
Trong đó, thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền 1,5 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 32,9 nghìn lao động.
Tỷ lệ giải quyết việc làm trong 9 tháng đạt thấp do công tác giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Trong tháng 8 và tháng 9 chỉ có 4.384 người được tạo việc làm, chủ yếu là qua hình thức vay vốn và tư vấn, kết nối trực tuyến.
Cũng trong 9 tháng năm 2021, thành phố đã tiếp nhận, xét duyệt và ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 55.000 người với số tiền 1,3 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho hơn 1,2 nghìn người với số tiền 3,8 tỷ đồng.
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong quý 3/2021 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố. Các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Điều này khiến người lao động có việc làm tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ rất cao phải nghỉ việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, không đảm bảo điều kiện làm việc…Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiếp tục gia tăng, kéo theo tình trạng suy giảm lực lượng lao động khi một bộ phận người lao động mất việc phải rời khỏi thị trường.
Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý 3/2021 trên địa bàn cho thấy, số người có việc làm toàn thành phố giảm 5,3% so với quý trước và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý 3/2021 là 2,7%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến tháng 9, thành phố có hơn 7,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1% so với cuối năm 2020; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,1% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang). Có 1,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 8% so với cuối năm 2020; 52,1 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 15,4% và tăng 6,5%; 1,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, giảm 5,4% và giảm 8,4%.
Nhận định về thị trường lao động thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) đánh giá sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, công tác tiêm vaccine cho người dân và hiệu quả của các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.
Trung tâm này cũng chỉ ra 4 thách thức đối với thị trường lao động Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới. Đó là giá cả một số nguyên vật liệu, giá cước vận tải trên thị trường thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên vật liệu trong nước. Nguồn cung lao động bị ảnh hưởng nặng nề và có khả năng thiếu hụt tạm thời.
Ngoài ra, việc lưu thông hàng hóa vẫn bị hạn chế do giãn cách xã hội, đặc biệt luồng thương mại quốc tế sẽ bị thu hẹp khi dịch bệnh tái bùng phát diện rộng trên toàn thế giới. Doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi, kết nối các nguồn cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động.
Nhằm đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục xây dựng các phương án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường rà soát, thu thập thông tin, cập nhật tình trạng việc làm của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để dự báo kịp thời về tình hình lao động nhằm xây dựng phương án kết nối cung – cầu phù hợp.