11:48 27/06/2023

Hà Nội: Hơn 40.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm

Phúc Minh

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn, phần nào kéo giảm số lao động được tạo việc làm mới trong 6 tháng đầu năm 2023; hơn 40.000 người được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm.
Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn TP. Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 113.418/162.000 người lao động, đạt 70% kế hoạch giao trong năm.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 124 phiên giao dịch việc làm với 3.635 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh với tổng số 60.034 người; đã có 25.092 lao động được phỏng vấn và 8.805 lao động được tuyển dụng tại phiên.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, số lao động được tạo việc làm mới trong 6 tháng đầu năm 2023 trên toàn thành phố giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân dẫn đến giảm số việc làm mới là do sự tác động từ cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao…, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn.

Thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ,… dẫn đến các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng. Việc cắt giảm công nhân cũng là giải pháp duy trì của một số doanh nghiệp hiện nay.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố có số doanh nghiệp đăng ký giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 22% về số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Cùng với giải quyết việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 40.097 trường hợp với số tiền 1.079 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, tư vấn, giải quyết việc làm cho 40.097 trường hợp; hỗ trợ học nghề cho 574 trường hợp với số tiền 2,55 tỷ đồng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động kết nối, tạo việc làm trong nửa cuối năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động của người lao động qua các hình thức. Cùng với đó, định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm, để sớm quay trở lại thị trường lao động làm việc, có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội thông tin, hiện nay, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cũng đang tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động (người tìm việc, các việc làm trống...), đảm bảo chất lượng. Từ đó, các bên liên quan có định hướng, đánh giá cụ thể về thị trường, nhìn nhận các điểm nghẽn để xử lý.

Trung tâm cũng đang tích cực triển khai nghiệp vụ tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối việc làm, đánh giá tính hiệu quả, đưa ra phương hướng, giải pháp. Đồng thời, phối hợp các trường trên địa bàn thành phố tổ chức tư vấn hướng nghiệp. “Nhờ triển khai đồng bộ, thông tin thị trường lao động sẽ thống nhất, cung cấp thông tin đến người lao động, doanh nghiệp rõ ràng. Chúng tôi cũng thống nhất quy trình nghiệp vụ để đảm bảo hoàn thiện các khâu, giúp thị trường lao động dần ổn định, giảm sự mất cân đối”, ông Vũ Quang Thành cho biết.

Mới đây, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch thu thập thông tin thị trường lao động năm 2023. Theo đó, thành phố sẽ tiến hành thu thập thông tin cơ bản, chính xác về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục đào tạo, tình trạng việc làm, thất nghiệp, không tham gia hoạt động kinh tế của người từ đủ 15 tuổi trở lên trong các hộ gia đình làm cơ sở quản lý nguồn nhân lực. Từ đó, đề xuất các chính sách về lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

Thành phố cũng sẽ thu thập thông tin cơ bản về loại hình, ngành kinh tế, việc sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động, làm cơ sở để xác định hướng đào tạo, dạy nghề phát triển nguồn nhân lực và kết nối, cung ứng hiệu quả nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ tiến hành thu thập thông tin về người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn theo quy định tại Bộ luật Lao động.