12:17 19/06/2023

Việc làm xanh và những giá trị ưu tiên được người lao động quan tâm nhất ngoài mức lương

Thu Hằng

Đại dịch Covid-19 đã khiến người lao động hiện nay thay đổi quan điểm về những giá trị ưu tiên khi đi làm. Bên cạnh yếu tố lương, họ ngày càng quan tâm đến môi trường làm việc, sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống, đáng chú ý là xu hướng chuyển đổi bền vững với việc làm xanh đang tăng cao…

Người lao động tìm kiếm việc làm. Ảnh - N.Dương.
Người lao động tìm kiếm việc làm. Ảnh - N.Dương.

Sau đại dịch Covid-19, các chuyên gia tuyển dụng cho rằng, xu hướng tìm kiếm công việc trên thị trường lao động ít nhiều đã có sự thay đổi.

THAY ĐỔI NHỮNG GIÁ TRỊ ƯU TIÊN KHI ĐI LÀM

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết quý 1/2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Vận hành, Dịch vụ Khoán việc & Cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam nhìn nhận, cơ cấu lao động Việt nam trong những năm gần đây có sự gia tăng đáng kể từ những lao động thế hệ Gen Z, ước tính sẽ chiếm gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động đến năm 2025 và sẽ trở thành lực lượng lao động chủ chốt tại Việt Nam (27%).

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân tài tiếp tục xuất hiện trong một số ngành, đặc biệt là công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, logistics... “Không chỉ thiếu về số lượng, Việt Nam cũng đang rất khát nhân lực có chất lượng cao”, ông Sơn nhận định.

Báo cáo của ManpowerGroup cũng chỉ ra rằng, đang có sự chênh lệch lớn về trình độ lao động, chỉ 11% trong số này đạt trình độ chuyên môn ở mức cao. Việt Nam cũng đang là quốc gia có số lượng lao động có đủ trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu công việc ở mức thấp tại Khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ này chỉ ở mức 5%, thấp hơn nhiều so với các nước không nói tiếng Anh trong khu vực như Indonesia (10%), Malaysia (21%), hay Thái Lan (27%).

“Đại dịch đã khiến người lao động hiện nay thay đổi quan điểm về những giá trị ưu tiên khi đi làm. Bên cạnh yếu tố lương, họ ngày càng quan tâm đến môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, chế độ đào tạo, an toàn – sức khỏe, sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống…”, ông Sơn chia sẻ.

Theo nghiên cứu của ManpowerGroup, 61% người lao động nghĩ rằng các công việc có tính linh hoạt sẽ giúp họ cân bằng tốt hơn. Đặc biệt, có hơn 1/3 người được hỏi (31%) sẵn sàng nhận vị trí khác nếu điều đó giúp công việc và cuộc sống cân bằng tốt hơn.

Chuyên gia của ManpowerGroup cho rằng, điều này càng thấy rõ ràng hơn với thế hệ Gen Z. Nhóm lao động trẻ này rất quan tâm tới sự đa dạng, bình đẳng, hòa nhập và hòa nhập tại môi trường làm việc. Có đến 88% Gen Z cho biết đại dịch làm họ tập trung vào những giá trị bền vững và 56% sẽ từ chối một vị trí việc làm nếu doanh nghiệp không có một đội ngũ lãnh đạo đa dạng.

TS. Đinh Thị Hồng Duyên, Chuyên gia tư vấn về Quản trị doanh nghiệp cũng nhìn nhận, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người lao động chú ý đến sức khỏe tinh thần của mình và đặt nó lên trên mọi thứ khác.

Lực lượng lao động tương lai không còn tập trung vào việc xây dựng sự nghiệp một cách mãnh liệt nữa, họ đánh giá cao sự cân bằng trong con đường sự nghiệp với sự linh hoạt trong công việc và cuộc sống.

“Đây là thách thức nhân sự lớn nhất mà chúng ta sẽ sớm đối mặt và phải chuẩn bị để đáp ứng những yêu cầu đó”, bà Duyên nhận định.

Theo vị chuyên gia, trên thực tế, đại dịch Covid-19 và những thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh, cho thấy những thay đổi lớn về nguồn nhân lực và tổ chức trên quy mô lớn. Người lao động sẵn sàng rời bỏ ngành, thay đổi cách làm việc và đặt ra nhiều yêu cầu mới cho nhà tuyển dụng. 

Từ thực tế đơn vị làm công tác kết nối tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, qua quan sát thì xu hướng tìm kiếm việc làm của lực lượng lao động đã có sự dịch chuyển do các yếu tố dịch bệnh, tình hình chung từ biến động của thế giới.

Điều này sẽ đòi hỏi người lao động phải thường xuyên nâng cao kỹ năng để luôn sẵn sàng đáp ứng các công việc mà doanh nghiệp cần, cũng như tham gia vào một thị trường lao động có nhiều thay đổi.

VIỆC LÀM XANH LÀ XU HƯỚNG TẤT YẾU

Theo các chuyên gia, sau dịch Covid-19 đã có sự biến động rất mạnh mẽ của lực lượng lao động, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động cũng hướng vào nhóm đối tượng có thể làm việc ứng dụng dụng nhiều công nghệ thông tin. Các công việc mới sau dịch cũng có những chuyển đổi nhất định, nhất là xu hướng chuyển đổi bền vững với việc làm xanh đang tăng cao.

Việc làm xanh sẽ là xu hướng. Ảnh minh họa. 
Việc làm xanh sẽ là xu hướng. Ảnh minh họa. 

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Vận hành, Dịch vụ Khoán việc & Cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam cho biết, theo báo cáo của ManpowerGroup, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2022, tỷ lệ “nhân lực xanh” tăng từ 9,6% tăng lên 13,3%. Ước tính đến  năm 2050, thị trường sẽ có hơn 300 triệu vị trí công việc văn phòng cần “kỹ năng xanh" trên toàn cầu. Đồng thời, báo cáo cũng đề cập nhu cầu việc làm "xanh" cao nhất đến từ các ngành sản xuất (48%), năng lượng (34%), nông nghiệp (11%) và công nghệ (4%) tại Việt Nam.

Cũng theo báo cáo về Các cơ hội việc làm xanh tại ManpowerGroup Việt Nam từ năm 2022 đến nay, việc làm xanh đang dần xuất hiện nhiều hơn, từ bộ phận vận hành (56%), nhân sự (14%), khối văn phòng (9%) hay pháp chế (2%). “Điều này cho thấy sự tập trung của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi bền vững, với mục tiêu việc làm xanh được tích hợp trong toàn bộ các chức năng, hoạt động hàng ngày”, ông Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh.

Xu hướng phát triển kinh tế xanh và kinh tế kỹ thuật số sẽ tạo nhiều việc làm mới cũng là nhận định của TS. Nguyễn Hoàng Hà, chuyên gia Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Hà, ngày càng có nhiều nước phát triển và đang phát triển xem xét lại các mô hình tăng trưởng trước đây của họ và chuyển sang nền kinh tế xanh như một phương tiện để đạt được sự phát triển bền vững, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo.

Đặc biệt, các cơ hội việc làm dự kiến sẽ phát sinh từ các khoản đầu tư nhằm đạt được lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050 để hạn chế cảnh báo toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, bao gồm đầu tư vào năng lượng sạch và tái tạo, xây dựng, nông nghiệp bền vững, tái chế và quản lý chất thải.

“Mô hình chỉ ra rằng có thể tạo thêm 8,4 triệu việc làm cho thanh niên vào năm 2030 thông qua việc thực hiện các biện pháp chính sách xanh”, TS. Nguyễn Hoàng Hà cho biết.

Mức tăng việc làm tổng thể dự kiến này phủ lấp số mất việc làm ở một số quốc gia, ngành và nhóm người lao động, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các chính sách đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng cho tất cả mọi người.

Tại Việt Nam, TS. Nguyễn Hoàng Hà cho rằng, phát triển kinh tế thường ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm cho lực lượng lao động, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số cấp quốc gia với nền tảng số hóa, đồng thời với việc phát triển kinh tế xanh, nhiều cơ hội việc làm mới cho thanh niên sẽ được kiến tạo ở nhiều ngành và địa phương trong cả nước.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là các chính sách tạo việc làm thông qua giáo dục, đào tạo và đào tạo lại đã theo kịp tiến trình phát triển hay chưa? Do đó, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động, nhằm thích ứng với đổi mới công nghệ và yêu cầu của nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng đội ngũ lao động lành nghề là yêu cầu cấp thiết.