06:00 20/07/2022

Hà Nội sẽ có nhà hát Opera trên hồ Đầm Trị?

Phan Nam

UBND quận Tây Hồ, Hà Nội vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân đối với đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An. Trong đó, điểm nhấn là nhà hát Opera, được xây dựng nổi trên hồ Đầm Trị...

Phối cảnh nhà hát Opera trên hồ Đầm Trị
Phối cảnh nhà hát Opera trên hồ Đầm Trị

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm: Phía Đông Bắc giáp đường Xuân Diệu; Phía Tây Bắc giáp các khu đất ven đường Đặng Thai Mai và giáp hồ Thủy Sứ; Phía Tây Nam giáp mặt nước Hồ Tây; Phía Đông Nam giáp các khu đất ven trục không gian Đặng Thai Mai, khu biệt thự Tây Hồ. Quy mô nghiên cứu khoảng 77,46ha; quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 45,296 ha, có ảnh hưởng đến khoảng 3.500 người dân tại khu vực, chủ yếu thuộc địa bàn phường Quảng An và phường Tứ Liên.

 SẼ LÀ CÔNG TRÌNH MANG TẦM QUỐC TẾ

Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng khu thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành; kết nối không gian ngầm đô thị, bãi đỗ xe ngầm với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung theo quy hoạch của thành phố; cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực; kiểm soát các công trình xây dựng theo quy hoạch chi tiết được duyệt; bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị đặc trưng về văn hóa, cảnh quan, mặt nước hồ Tây, hồ Đầm Trị…

Trong đó, trên mặt hồ Đầm Trị sẽ xây dựng một nhà hát Opera quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế, tiêu biểu cho Thủ đô. Công trình này sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Thành phố trong suốt quá trình thiết kế cũng như thi công và vận hành công trình.

Việc thi công Nhà hát được tiến hành trên cơ sở: Đảm bảo không lấp hồ, ảnh hưởng đến bề mặt nước hồ. Thi công trên cơ sở nạo vét lòng hồ, làm sạch hồ để đảm bảo hiệu ứng cho thiết kế mái vòm của Nhà hát; Thiết kế của nhà hát được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo gia tăng mỹ quan và không gian cảnh quan cho khu vực

Công trình nhà hát mang kiến trúc hiện đại với mái vòm lấy cảm hứng từ những con sóng hồ Tây. Việc xây dựng nhà hát Opera được ví như kiến tạo một “hòn đảo âm nhạc” giữa khung cảnh hồ Tây thơ mộng, hiện thực hóa khát vọng của người dân Thủ đô về một công trình nhà hát xứng tầm, một biểu tượng mới của Thủ đô trong giai đoạn hiện đại.

Công trình sẽ góp phần nâng tầm Hà Nội thành điểm đến của những sự kiện văn hóa hàng đầu thế giới, nơi giới nghệ sĩ khắp năm châu bốn biển đến biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa. “Cha đẻ” của ý tưởng độc đáo này là kiến trúc sư huyền thoại và tài hoa Renzo Piano người Ý.

Theo tiết lộ của đơn vị thiết kế, công trình nhà hát bên hồ Tây có quy mô 13.578 m2 với khán phòng opera với sức chứa 1.822 chỗ, đồng thời có nhiều khán phòng đa năng (1.000 – 2.000 chỗ ngồi) phục vụ mục đích tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn.

Kiến trúc sư Renzo Piano cho biết, “hòn đảo âm nhạc” này không chỉ là nơi biểu diễn nghệ thuật mà còn là điểm hẹn văn hóa, vui chơi, trải nghiệm thường xuyên của người dân và du khách. Bên ngoài nhà hát, hệ thống không gian công cộng bao gồm nhà triển lãm, khu ẩm thực trải dọc theo trục giao thông chính và kết thúc ở quảng trường trung tâm sát mép hồ. Bên trong nhà hát, một loạt các phòng chức năng như phòng tập nghệ thuật, thư viện ở tầng trệt hay bảo tàng, nhà hàng nhỏ có tầm nhìn bao quát toàn cảnh hồ Tây được bố trí ở các tầng cao.

Nói về việc xây dựng công trình này, nhiều chuyên gia phân tích: Trên thế giới, rất nhiều công trình văn hóa, nhà hát opera đã trở thành biểu tượng không chỉ của một điểm đến, mà còn của một quốc gia, không chỉ nâng tầm điểm đến, tạo vị thế trên trường quốc tế cho quốc gia đó, mà còn đem về doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch của điểm đến.

Cụ thể, nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh ra mắt năm 2007 trong kiểu dáng của viên ngọc trai khổng lồ. Cũng từng vấp phải nhiều tranh cãi, song giờ đây, mỗi năm, nhà hát tổ chức thành công đến 1.000 buổi biểu diễn thương mại, 1.000 buổi giáo dục nghệ thuật và thu hút khoảng 3 triệu lượt khách.

Nhà hát Con Sò - Opera Sydney là "kiệt tác của kiến trúc thế kỷ 20" hay "biểu tượng kiến trúc nổi tiếng thế giới" cũng đón gần 11 triệu du khách tới thăm mỗi năm, đưa nó trở thành một biểu tượng mà hễ nhắc tới Sydney, tới nước Úc, người ra sẽ nghĩ ngay đến Opera Sydney trong hình dáng con sò.

Hay như tại Ý, nhà hát Parco della Musica Auditorium – một kiệt tác của kiến trúc sư huyền thoại Renzo Piano, chỉ tính riêng năm 2017, có hơn 730 sự kiện được tổ chức tại đây và có tới 529.000 khách ghé thăm quan.

Không chỉ là những công trình thu hút du khách, mang về doanh thu khổng lồ, các nhà hát opera nổi tiếng thế giới còn là những thánh đường nghệ thuật, để các quốc gia đó trở thành niềm khát khao khẳng định dấu ấn và tên tuổi của những nghệ sỹ lớn trên thế giới.

NÂNG TẦM VỊ THẾ THỦ ĐÔ

Hiện tại, Hà Nội đã có Nhà hát Lớn được người Pháp xây dựng hơn 100 năm trước, nơi tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia. Tuy nhiên, với sức chứa chỉ gần 900 người, Nhà hát Lớn không đáp ứng đủ nhu cầu, không đủ khả năng đón những lễ hội âm nhạc quốc tế với quy mô lớn, cần không gian nhà hát đủ sức chứa và trang bị âm thanh, cách âm hiện đại.

Rất nhiều những sự kiện hội nghị tầm vóc quốc tế Hà Nội đều không thể tổ chức, do thiếu không gian, vì thế cũng đã bỏ qua nhiều cơ hội để vươn tầm thế giới, khẳng định vị thế, tầm vóc Thủ đô của một đất nước, với bạn bè quốc tế.

Hà Nội cần một không gian nghệ thuật quy mô lớn hơn, nơi nghệ sĩ trong và ngoài nước giao lưu văn hóa, qua đó nâng tầm vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Từ những thiếu hụt nói trên trong đời sống và không gian văn hóa nghệ thuật của Hà Nội, từ những khát khao nâng tầm vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến trên bản đồ điểm đến văn hóa nghệ thuật thế giới, việc kiến tạo một Nhà hát Opera mới hiện đại cho Hà Nội là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà hát sẽ triển khai đồng thời với quy hoạch mạng lưới giao thông, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho bán đảo Quảng An, không chỉ mang đến diện mạo mới với điểm nhấn về không gian kiến trúc – đô thị, đưa Hà Nội trở thành điểm hẹn văn hóa mang tầm quốc tế, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.